Đường dẫn truy cập

IOC sẽ công bố các kế hoạch cải cách quan trọng vào tuần tới


Ủy ban Olympic Quốc tế, gọi tắt là IOC, vào tuần tới sẽ công bố kế hoạch cải cách sâu rộng để đại hội thể thao này có thể tiếp tục thu hút người hâm mộ cũng như các nhà tài trợ.

Chủ tịch IOC Thomas Bach sẽ công bố 40 đề xuất cải cách của IOC tại Viện bảo tàng Olympic ở Lausanne vào ngày 18 tháng 11. Mặc dù đó mới chỉ là những đề xuất sơ khởi, theo trông đợi những cải cách đó sẽ ảnh hưởng đến cách thức các thành phố vận động tranh đăng cai Olympic và các môn thể thao sẽ được sắp xếp như thế nào ở các Olympic trong tương lai.

Phiên họp của IOC tại Monaco vào tháng tới sẽ biểu quyết từng đề xuất một. Và đó là Nghị trình 2020 của chủ tịch Bach, mà có thể sẽ dẫn đến những thay đổi lớn lao nhất của Olympic trong nhiều thập niên.

Thay đổi lớn nhất sẽ là vấn đề tranh đăng cai Olympic. IOC nay đang hướng đến mục tiêu làm cho đại hội thể thao này ít tốn kém hơn và cơ sở hạ tầng Olympic dễ dàng chuyển đổi để phục vụ các nhu cầu của của các thành phố chủ nhà sau đại hội, hơn là sự cồng kềnh và tốn kém quá mức như hiện nay để đáp ứng những điều kiện ban đầu của IOC.

Bốn trong số sáu thành phố có ý muốn dự tranh quyền đăng cai Olympic mùa đông 2022 đã rút lui, vì những lo ngại về gánh nặng tài chánh và không được sự đồng tình của công chúng. Nay chỉ cón lại hai thành phố ứng cử viên cho Olympic này là Bắc Kinh của Trung Quốc và Almaty của Kazakhstan.

Việc rút lui của các ứng cử viên tranh đăng cai đã gây tổn hại cho uy tín của Olympic. Các thành phố rút lui đó xem Olympic như là một gánh nặng kinh tế quá mức và một sự lãng phí nguồn lực của đất nước hơn là một tiềm năng phát triển kinh tế.

Chủ tịch Bach mới đây phát biểu: “Về tiến trình tranh đăng cai, mục đích của những đề xuất cải cách này là chuyển đổi tiến trình này thành việc mời các thành phố tham gia thảo luận và làm đối tác với IOC hơn là tiến trình tranh thầu.”

Những đề xuất thay đổi cũng có thể mở đường cho các môn thể thao mới đi vào Olympic dễ dàng hơn, để rồi phong trào Olympic có thể thu hút được thêm nhiều người hâm mộ, các nhà bảo trợ mới và sẽ tạo được thu nhập cao hơn.

Theo quy định hiện nay, các môn thể thao mới phải chờ đến 7 năm để nhận được phép đưa vào hệ thống tranh tài của Olympic.

Đại hội đầu tiên có thể áp dụng các kết quả của những đề xuất cải cách này có lẽ sẽ là Olympic Tokyo 2020, mà phía Nhật Bản đang hối thúc đưa môn bóng chày vào tranh tài, sau khi môn này bị rút ra khỏi Olympic sau Olympic Bắc Kinh 2008.

Có một đề xuất lập ra một kênh truyền hình riêng cho Olympic để phát sóng các chương trình Olympic quanh năm, thay vì chỉ giới hạn trong thời gian đại hội mỗi bốn năm một lần.

Những đề xuất thay đổi khác còn có giới hạn tuổi tối đa của các thành viên IOC là 70 tuổi, nhưng không thấy có đề xuất dỡ bỏ quy định cấm các thành viên du hành đến thành phố dự tranh đăng cai Olympic – quy định này được ban hành sau khi xảy ra vụ bê bối hối lộ ở Olympic Salt Lake City 2002.

XS
SM
MD
LG