VOA: Sắp tới, Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ đánh dấu 15 năm hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Ông đánh giá như thế nào về mối bang giao này?
Ông Scot Marciel: Chúng tôi rất hài lòng trước cách thức mối quan hệ này phát triển. Cá nhân tôi cũng thế vì tôi ở Hà Nội 15 năm trước, khi hai nước bình thường hóa toàn diện mối quan hệ và khi ấy tôi bắt đầu làm việc tại đại sứ quán Hoa Kỳ. Chính vì lẽ đó, bản thân tôi đã chứng kiến nhiều thay đổi và cải thiện trong mối bang giao giữa hai quốc gia thời gian qua. Hai bên bắt đầu cùng nhau hợp tác và giải quyết một số ít vấn đề, và bây giờ, hai nước đã tiến hành thương thảo trong nhiều lĩnh vực.
Mới đây, khi Thủ tướng Việt Nam gặp Ngoại trưởng Hillary Clinton, tôi cũng có mặt ở đó. Họ đã trao đổi một loạt các vấn đề song phương mà hai bên có thể hợp tác với nhau như giáo dục, tình trạng biến đổi khí hậu, củng cố hành pháp, ngoại giao khu vực, ASEAN cũng như chăm sóc y tế. Nói tóm lại, thật vui mừng khi hai quốc gia cùng làm việc về một loạt các vấn đề.
VOA: Trong chuyến công du tới Việt Nam gần đây, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Kinh tế, Năng lượng và Canh nông, ông Robert Hormats, nói rằng các vấn đề nhân quyền ở Việt Nam có thể làm tổn hại tới mối quan hệ thương mại giữa hai nước. Ông có đồng quan điểm với ngài Thứ trưởng không?
Ông Scot Marciel: Dĩ nhiên tình trạng nhân quyền cùng quan ngại về các vấn đề liên quan ở Việt Nam chắc chắn ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa hai nước. Có lẽ đây cũng là vấn đề làm chậm tốc độ phát triển mối bang giao giữa hai quốc gia hơn so với tiềm năng.
Ngoài ra, vấn đề này có thể ảnh hưởng tới thương mại giữa hai nước vì bất kỳ thỏa thuận thương mại nào giữa hai quốc gia cần phải được Quốc hội của chúng tôi thông qua, và đôi khi họ nêu lên quan ngại về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam. Ngoài ra còn có các vấn đề khác nữa như khi chúng ta xem xét về Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (Generalized System of Preferences) thì yếu tố nhân quyền không đóng vai trò lớn, nhưng các vấn đề như quyền lao động sẽ được xem xét theo như yêu cầu của luật pháp.
VOA: Thưa ông, một số người cho rằng Hoa Kỳ không nên trao cho Việt Nam các ưu tiên về thương mại cho tới khi Hà Nội thực sự cải thiện tình trạng nhân quyền và tôn giáo. Bản thân ông nghĩ sao về quan điểm đó?
Ông Scot Marciel: Ý kiến như thế này thực sự đã xuất hiện ngay từ khi Hoa Kỳ bắt đầu bình thường hóa mối quan hệ với Việt Nam. Tôi nghĩ rằng điều chúng tôi chứng kiến là một loạt các chính quyền, cả phe Dân chủ lẫn Cộng hòa, ở Washington đã kết luận rằng cách thức tốt nhất để thúc đẩy tiến bộ ở Việt Nam, không chỉ về tình trạng nhân quyền, mà còn cả phát triển kinh tế và xây dựng đối tác thực sự nhằm cho phép Hoa Kỳ đề cập cũng như giải quyết các vấn đề, là tiếp xúc và hợp tác với nhau.
Ngoài ra, theo tôi, thương mại không phải là một món quà cho Việt Nam, mà nó là điều mang lại cho người dân hai nước các lợi ích cũng như thịnh vượng hai chiều. Đúng, đây là vấn đề còn gây tranh cãi, nhưng chúng tôi vẫn duy trì quan điểm rằng tiếp xúc, hợp tác và thương mại là cách thức tốt nhất đề thúc đẩy quan hệ song phương.
VOA: Hãng tin Reuters gần đây có bình luận rằng các tái phạm về nhân quyền thấy rõ đã làm nổi lên những câu hỏi là liệu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có nên đưa Việt Nam trở lại danh sách ‘Các nước cần đặc biệt quan tâm’ (CPC) về tự do tôn giáo hay không. Phản ứng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra sao, thưa ông?
Ông Scot Marciel: Mỗi năm, chúng tôi đều xem xét và đánh giá tình trạng nhân quyền và tự do tôn giáo không chỉ ở Việt Nam mà còn tại nhiều nước trên thế giới. Năm ngoái và năm nay, chúng tôi đã nói với chính phủ Việt Nam rằng chúng tôi có một số quan ngại về một số nhà bất đồng chính trị bị bắt, truy tố và cầm tù. Trong một phần của nỗ lực ngoại giao theo đường hướng tiếp xúc, chúng tôi nói rõ rằng chúng tôi ái ngại về tình trạng này, và điều đó không tốt cho Việt Nam.
Về vấn đề đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo, chúng tôi chưa đi tới quyết định. Chúng tôi tiếp tục theo dõi. Đã có một số phát triển tích cực về tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhất là về việc các nhà thờ có thể đăng ký và hoạt động, nhưng vẫn còn tồn tại các vấn đề khác, trong đó có việc một số tín đồ bị ngược đãi.
VOA: Thưa ông, một số nhà quan sát nhận xét rằng Chiến tranh Việt Nam từng phủ bóng mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và các nước Đông Nam Á, nhưng việc chính quyền Hà Nội đảm nhận chức chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm nay sẽ giúp tăng cường sự tham gia của Hoa Kỳ tại khu vực này. Ông có đồng ý với nhận định đó không?
Ông Scot Marciel: Tôi nghĩ đúng là một vài năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và các nước Đông Nam Á bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này. Nhưng thành thực mà nói, tôi nghĩ chúng tôi đã qua giai đoạn đó, và cuộc chiến giờ đã là quá khứ. Trong khi vẫn còn một số các di sản chiến tranh để lại mà chúng tôi đang hợp tác giải quyết với Việt Nam cũng như với các nước khác thông qua các hoạt động nhân đạo, chúng ta đã qua thời kỳ chiến tranh.
Việt Nam là một đối tác tốt và chúng tôi có mối quan hệ tốt đẹp với nước này cũng như các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã tỏ rõ quyết tâm hợp tác với các nước Đông Nam Á và ASEAN. Và chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam với tư cách chủ tịch ASEAN là một đối tác rất tốt đối với chúng tôi.
VOA: Trong một buổi điều trần trước tiểu ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ năm ngoái, ông lên tiếng bày tỏ quan ngại về căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam xung quanh vấn đề biển Đông. Thưa ông, tới giờ Hoa Kỳ còn lo ngại nữa không?
Ông Scot Marciel: Chúng tôi thực sự vẫn còn quan ngại. Chúng tôi từng tuyên bố rằng chúng tôi không nghiêng về phía nào trong việc tranh chấp pháp lý đối với các hòn đảo cụ thể.
Nhưng điều quan trọng là các quốc gia liên quan phải tuân thủ tuyên bố ứng xử Biển Đông và cố gắng giải quyết các bất đồng thông qua đàm phán và đối thoại cũng như có các hành động cần thiết để tránh gây căng thẳng trong khu vực.
VOA: Lần đó, ông cũng khẳng định rằng Trung Quốc đã yêu cầu một số công ty dầu khí nước ngoài ngừng khai thác tại các khu vực ngoài khơi mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Hoa Kỳ đã làm gì để truyền đạt ý kiến của mình tới Bắc Kinh?
Ông Scot Marciel: Từ trước tới nay, chúng tôi vẫn duy trì thể hiện quan điểm rằng các công ty này có quyền hoạt động, và rằng các bất đồng và quan ngại nên được xử lý thông qua đối thoại giữa các chính phủ.
VOA: Vậy phía Trung Quốc phản ứng ra sao, thưa ông?
Ông Scot Marciel: Tôi nghĩ đây là vấn đề chúng tôi tiếp tục thảo luận với Trung Quốc và các nước khác.
VOA: Hoa Kỳ tăng cường quan hệ quân sự với Việt Nam cũng như Lào và Campuchia thời gian qua giữa lúc có sự cạnh tranh từ Trung Quốc. Liệu có phải Washington làm vậy để kiểm soát ảnh hưởng đang gia tăng của Bắc Kinh ở Đông Nam Á?
Ông Scot Marciel: Trong khi chúng tôi cải thiện quan hệ với các nước thì việc phát triển mối bang giao quốc phòng là một thành phần bình thường trong tiến trình đó. Không có gì là bất thường cả. Thực tế là, chúng tôi có mối quan hệ quân sự giới hạn với Việt Nam, Lào và Campuchia cho tới gần đây.
Chúng tôi đã tiến hành các bước đi nhằm thúc đẩy các mối quan hệ này như bổ nhiệm các tùy viên quân sự. Đây thực sự chỉ là một hoạt động bình thường trong tiến trình tăng cường quan hệ và không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào.
VOA: Việt Nam là đối tác mạnh đến mức nào của Hoa Kỳ ở châu Á, thưa ông?
Ông Scot Marciel: Việt Nam đang ngày càng trở thành một đối tác mạnh hơn của Hoa Kỳ. Chúng tôi duy trì mối quan hệ tốt đẹp về một loạt các vấn đề. Trong 15 năm qua, mối quan hệ vẫn tiếp tục vững mạnh. Vì thế Việt Nam là một đối tác tốt về thương mại, kinh tế và ngày càng phát triển về mặt ngoại giao về các vấn đề như y tế khu vực, biến đổi khí hậu cũng như các vấn đề ngoại giao khu vực. Nhìn chung, chúng tôi phát triển một mối quan hệ đối tác tốt với Việt Nam, dù vẫn còn những vấn đề chúng tôi bất đồng. Nhưng đó là một phần trong tiến trình thúc đẩy quan hệ.
VOA: Ông từng sống và làm việc ở Việt Nam nhiều năm trước. Điều gì từ đất nước này khiến ông vẫn nhớ?
Ông Scot Marciel: Điều gây ấn tượng khiến tôi nhớ nhất là mong muốn học hỏi và cải thiện bản thân của người Việt Nam, cả các giới chức cũng như dân thường, nhằm mang lại sự thịnh vượng cho đất nước. Tôi cũng nhớ rõ về sự thân thiện của người dân. Vì lịch sử, chúng tôi băn khoăn về thái độ của người dân đối với Hoa Kỳ, nhưng điều chúng tôi thấy là người dân hướng tới tương lai, thay vì nhìn lại quá khứ. Và cũng chính điều đó giúp chúng tôi có thể xây dựng mối quan hệ tích cực như vậy.
VOA: Nếu có thể nói một câu tiếng Việt với các thính giả của VOA Việt Ngữ, ông sẽ nói gì?
Ông Scot Marciel: Tôi rất là vui mừng được thấy sự quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã phát triển rất là tốt trong 15 năm trước.
Xin cám ơn ông Scot Marciel. Nếu Quý vị muốn chia sẻ các câu chuyện cùng thông tin hấp dẫn từ nơi mình sinh sống, xin gửi về địa chỉ: vietnamese@voanews.com. Xin ghi trên tiêu đề là gửi chuyên mục 'Câu chuyện Việt Nam'. Nguyễn Trung xin chân thành cám ơn quý vị.
Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Kinh tế, Năng lượng và Canh nông, ông Robert Hormats, nhận xét rằng tình trạng nhân quyền ‘có thể khiến tiến bộ về một số lĩnh vực trở nên khó khăn hơn’ trong mối bang giao giữa hai nước. Trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho Nguyễn Trung của VOA Việt Ngữ tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Scot Marciel, Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, tán đồng quan điểm của ông Hormats, đồng thời nói thêm rằng Washington sẽ ‘duy trì tiếp xúc và hợp tác’ với Hà Nội để giải quyết các bất đồng. Mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1