Đường dẫn truy cập

P/V Giáo sư Berman về bài diễn văn của TT Obama


Giáo sư Larry Berman
Giáo sư Larry Berman

Giới lập pháp Hoa Kỳ có phản ứng khác nhau về bài diễn văn đầu tiên của Tổng thống Barack Obama về Tình trạng Liên bang. Có người ca ngợi bài diễn văn là tích cực và lạc quan, nhưng cũng có người chỉ trích những đường hướng mà ông Obama đề nghị. Giới chuyên môn nhận xét như thế nào về các chính sách Tổng thống đề ra trong bài diễn văn quan trọng này?

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Trà Mi của Ban Việt Ngữ VOA, Giáo sư Larry Berman giảng dạy môn chính trị học tại Đại học California ở thành phố Davis, và là Giám đốc Chương trình UC-Washington, nêu lên quan điểm của ông:

GS Berman: Tôi nghĩ rằng các chính sách đề ra trong bài diễn văn của Tổng thống về Tình trạng Liên bang phản ánh sự đánh giá của Tổng thống về bầu không khí chính trị mới hiện nay tại Hoa Kỳ có sự sụt giảm trong một số lĩnh vực, đồng thời đặt trọng tâm vào nền kinh tế đặc biệt là lĩnh vực công ăn việc làm và thương mại, và nhìn nhận rằng dự luật cải tổ y tế cần được thương lượng hơn nữa. Nhìn chung tôi cho rằng đây là một bài diễn văn mang tính thực tiễn. Nó biểu hiện rõ cái nhìn của người đứng đầu nước Mỹ, nhưng song song đó nó cũng mang tính thách thức khi ông nói rằng dĩ nhiên ông không bỏ cuộc, ông chỉ mới đảm nhiệm năm đầu của nhiệm kỳ, và rằng ông thà làm một nhiệm kỳ để tranh đấu cho những gì ông tin tưởng hơn là tiếp tục thêm nhiệm kỳ mà phải nhượng bộ thỏa hiệp mọi thứ chỉ vì sự phản đối của phe Cộng hòa.

VOA: Một năm trước đây gần như 70% người dân Mỹ tin tưởng rằng Tổng Thống Obama sẽ giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng kinh tế và tạo thêm công ăn việc làm cho dân chúng. Tuy nhiên, giờ đây, nhiều người Mỹ tỏ ra bất mãn, phẫn nộ, và hoài nghi về khả năng ông thực hiện được những thay đổi như đã hứa khi nhìn vào tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn ở mức cao. Sau bài diễn văn đầu tiên về Tình trạng Liên bang, liệu chăng tình hình sẽ cải thiện? Quan điểm của Giáo sư ra sao?

GS Berman: Vâng, tôi tin là như vậy. Những gì Tổng thống đang thể hiện cho thấy không phải tình hình đều xấu đi tất cả. Vâng đúng là tỷ lệ thất nghiệp, điều mà lẽ ra ông nên tập trung hơn nữa, đã gia tăng và hiện vẫn còn ở mức cao, và Tổng thống phải tìm giải pháp chấn chỉnh nó. Tuy nhiên, nhìn chung vào tình trạng kinh tế của Hoa Kỳ ở thời điểm này so với lúc ông nhậm chức, chúng ta thấy rằng đã có bước tiến đáng kể. Kinh tế và thị trường chứng khoán khá hơn, tính đáp ứng của thị trường Wall Street có tốt hơn. Có nhiều dấu hiệu tích cực về những gì Tổng thống đã làm được trong một năm qua. Như quý vị cũng biết không một Tổng thống nào có thể búng tay một cái là biến chuyển mọi thứ tốt hơn lên trong một sớm một chiều được. Người dân Mỹ muốn nhìn thấy những thay đổi về tỷ lệ thất nghiệp, sự cải thiện về kinh tế. Và Tổng thống đang nhấn mạnh rằng sẽ có sự cải thiện, hãy cho ông thêm thời gian. Và tôi nghĩ là ông đang làm giống như những gì mà cựu Tổng thống Ronald Reagan đã làm. Khi ông Ronald Reagan làm Tổng thống, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát rất cao. Hơn nữa, phe Cộng hòa lại bị mất nhiều ghế trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Thế nhưng ông Reagan đã nhiều lần lặp đi lặp lại lời kêu gọi, “Hãy chung sức với tôi, mọi chuyện sẽ có lối giải quyết, thuế sẽ được giảm.” Rồi khi mọi chuyện được giải quyết, ông Reagan không những được bầu thêm 1 nhiệm kỳ thứ nhì, mà còn trở thành một trong những vị Tổng thống tài giỏi của nước Mỹ. Và tôi cho rằng đây là điều mà Tổng thống đương nhiệm Obama đang hy vọng sẽ diễn ra với ông ta. Còn việc nó có xảy ra hay không, chúng ta sẽ thấy rõ trong vòng 3 năm tới hoặc trong thời gian 8 năm.

VOA: Trong số những mục tiêu kinh tế của Tổng thống có việc tăng gấp đôi lượng xuất khẩu và đình lại phần lớn các khoản dự chi nội địa của chính phủ. Giáo sư dự đoán tính khả thi và kết quả, hoặc hiệu quả, của việc này ra sao?

GS Berman: Tôi cho rằng việc đình lại các khoản dự chi của chính phủ sẽ không có hiệu quả cụ thể nào. Nó chỉ có một hiệu quả nhỏ đó là đình chỉ các khoản chi tùy tiện, chiếm không đáng kể trong ngân sách quốc gia. Theo tôi, đó là cách tiếp cận vấn đề một cách khéo léo, cho dân thấy những biểu hiện tích cực, thể hiện rằng chính quyền Obama không chỉ chi tiêu, chi tiêu, và chi tiêu. Còn nói về đề nghị nhân đôi lượng xuất khẩu, tôi cho rằng có khả năng sẽ mang lại những tác động tích cực cho nền kinh tế quốc gia.

VOA: Về chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama đề ra trong bài diễn văn, ý kiến của Giáo sư như thế nào?

GS Berman: Về vấn đề này, ông thể hiện những quan điểm giống như lúc ông ra ứng cử. Ông thật sự đã mang lại cái nhìn mới về vai trò của nước Mỹ trên thế giới. Tôi nghĩ ông đang nỗ lực thể hiện mình không phải là một vị Tổng thống của chiến tranh, và cố thuyết phục phe Cộng hòa và những người trung lập rằng ông có thể mạnh tay với khủng bố.

VOA: Xin chân thành cảm ơn Giáo sư đã dành cho đài VOA cuộc trao đổi này.

* Giáo sư chính trị học Larry Berman là tác giả của nhiều đầu sách nghiên cứu về sự nghiệp chính trị của các Tổng thống Mỹ cũng như các tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam. Trong đó có quyển “Điệp Viên Hoàn Hảo” được nhiều người biết đến nói về cuộc đời điệp viên quá cố Phạm Xuân Ẩn của Việt Nam.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG