Đường dẫn truy cập

Ý kiến của LS Nguyễn Hữu Liêm về thư của Dân biểu Ánh và Thứ trưởng Sơn


LS Nguyễn Hữu Liêm
LS Nguyễn Hữu Liêm

Mới đây, Dân biểu Cao Quang Ánh có cho công bố lá thư mời đối thoại của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cùng với thư trả lời của ông với nội dung từ chối lời mời đối thoại với phía Việt Nam. Luật sư Nguyễn Hữu Liêm đang hành nghề và dạy học tại thành phố San Jose, California. Ông cũng là thành viên của Hiệp hội Doanh nhân Việt Mỹ. Mời quý vị theo dõi các ý kiến của Luật sư Nguyễn Hữu Liêm về cuộc đối thoại bất thành này.

VOA: Trước hết, xin luật sư cho biết nhận xét cá nhân về sự kiện xảy ra giữa Dân biểu Cao Quang Ánh và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn?

LS Nguyễn Hữu Liêm: Tôi thấy trong vấn đề này cả hai phía đều không đi theo một quy trình hay một lối làm việc đúng cách. Thực sự tôi không đồng ý nhưng tôi không chống đối lá thư của Dân biểu Joseph Cao. Đây là một lá thư rất mạnh và rất nghiêm chỉnh, nói lên nội dung về thực trạng bên Việt Nam, không có gì tranh cãi nhiều. Dĩ nhiên từ vấn đề của sự kiện thì cái nhìn của chính quyền Việt Nam và một số người trong nước nó khác với hải ngoại.

Hai bên đi đến vấn đề này tôi nghĩ không đúng; ví dụ ông Thứ trưởng Sơn đáng lý ra phải vận động chuyện này từ bên trong để rồi khi đã có một thỏa thuận nào đó rồi, khi đó mới gửi bức thư và công bố ra.

Về phía Dân biểu Joseph Cao cũng vậy, có thể ông viết lá thư này không phải ông muốn làm như vậy, nhưng trong tình thế chính trị ra tái tranh cử của ông. Hoặc có thể là một vấn đề tâm lý nào đó để đáp lễ sự đón tiếp quá sơ sài, thiếu long trọng; và tôi nghĩ là thiếu tôn trọng, khi ông Joseph Cao và hai nghị sĩ Honda và Faleomavaega đã đến Hà Nội hồi tháng 5.

Đáng lý ra lúc đó ông Dân biểu Joseph Cao ít ra cũng phải được Chủ tịch Quốc hội đón tiếp hoặc Phó Chủ tịch nước, hay là Ngoại trưởng đi nữa. Còn đây là một Thứ trưởng đặc trách người Việt nước ngoài, tôi nghĩ đây là một thủ tục không đúng cung cách ngoại giao cho lắm. Thành ra tôi thông cảm với thái độ của ông Joseph Cao. Tuy nhiên, tôi nghĩ đây là lối làm việc mà cả hai bên đều rất sai lầm.

VOA: Theo nhận định riêng của luật sư, mục đích của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn nói riêng, chính phủ Việt Nam nói chung, và Dân biểu Cao Quang Ánh khi viết hai lá thư đó là gì?

LS Nguyễn Hữu Liêm: Thực sự đây là một tiến trình mà chính quyền Hà Nội đang muốn đi gần với cộng đồng Việt Nam để hóa giải những khó khăn hai bên đang gặp phải. Thực sự tôi biết về phía nhà nước Việt Nam họ không thích lắm, và dĩ nhiên là khó chịu, vì mỗi lần đi đâu lại bị dân hải ngoại biểu tình, không được đón tiếp một cách nào nghiêm chỉnh cả.

Trong khi những phái đoàn của chính phủ Trung Quốc đi đâu, mặc dù lập trường chính trị rất khác biệt với lập trường của cộng đồng Hoa kiều ở hải ngoại nhưng vẫn không có những chống đối mạnh như vậy, có lẽ vì vết thương chiến tranh của người Việt mình còn mới quá. Nội dung chính trị bao giờ cũng có những khác biệt, mặc dù sự khác biệt Việt Nam nó hằn sâu hơn vì vết thương chưa lành.

Lối làm việc của nhà nước Việt Nam còn ở trong cái thế tôi nghĩ cần phải làm cho đúng cách hơn. Còn ông Cao Quang Ánh tôi nghĩ là bây giờ nội dung của lá thư nó nhằm đánh vào sự tiêu thụ của thị trường nội địa, tất nhiên là ở bên Mỹ này, cho cộng đồng người Việt hải ngoại, vốn đã từng chỉ trích ông trong chuyến đi kỳ vừa rồi. Tôi nghĩ đây là một thế tấn chính trị trong giai đoạn đầu mà thôi, chứ thực chất chưa đi đến đâu cả.

VOA: Theo thông lệ, một khi nói đến đối thoại thì hàm ý mỗi bên đều có những vấn đề lấn cấn với nhau. Luật sư có nghĩ rằng nếu cứ đặt điều kiện tiên quyết trước khi có đối thoại thì chẳng khi nào có được đối thoại?

LS Nguyễn Hữu Liêm: Tôi nghĩ vì nhu cầu đối thoại nó có, nó cần thiết nhưng không khẩn cấp, ví dụ như trong chiến tranh chẳng hạn. Năm 1968, khi hòa đàm Paris bắt đầu, chiến tranh sôi nổi như vậy mà cả năm sáu năm sau mới đạt được một điểm tranh cãi nhau về cái bàn tròn hay vuông thôi.

Tôi nghĩ rằng bao giờ cũng vậy, khởi đầu một cuộc đối thoại nào đó mà sự khác biệt chính trị, nhất là đau thương lớn như hiện nay, vết thương quá lớn, thì những điều kiện đưa ra trong giai đoạn đầu bao giờ nó cũng khác xa nhau một trời một vực.

Tôi thấy về phía Việt Nam không đưa ra một điều kiện nào hết, nhưng thái độ của chính quyền Việt Nam bao giờ cũng coi cộng đồng hải ngoại như là một chuyện nhỏ, và dùng ngôn ngữ có vẻ tuyên truyền, ví dụ “khúc ruột ngàn dặm”, nói theo kiểu con cháu trong nhà, không coi như đây là một đối trọng để tiếp xúc nghiêm chỉnh.

Về phía hải ngoại thì coi nhà nước cộng sản như như một cái gì để phủ định chứ không bao giờ công nhận một thực tế chính trị là chúng ta phải ngồi lại nói chuyện như thế nào. Vì chính trị cuối cùng tất cả cũng phải compromise, thỏa hiệp, tất nhiên phải có một sự hòa giải, nhượng bộ nào đó.

Giai đoạn đầu này tôi thấy Dân biểu Cao Quang Ánh, mặc dù ông không chính thức đại diện cho cộng đồng người Việt hải ngoại nhưng với tư cách là một dân biểu Hoa Kỳ thì ông cũng xứng đáng để có tiếng nói của người Việt hải ngoại. Nhưng ông đưa lá thư đặt những điều kiện tiên quyết trước khi, ngay cả trước khi có một tiến trình đối thoại thì tôi nghĩ đây là chuyện cần phải làm việc nhiều hơn, chứ nếu cứ với ngôn ngữ này thì sẽ không đi đến đâu cả.

VOA: Luật sư có nghĩ rằng nếu phía Việt Nam tỏ một cử chỉ thiện chí, ví dụ thỏa mãn một trong những điều kiện mà Dân biểu Cao Quang Ánh đã đặt ra thì đối thoại có thể xảy ra?

LS Nguyễn Hữu Liêm: Tôi nghĩ nhà nước Việt Nam không bao giờ nghĩ đây là điều kiện mà họ sẽ thỏa mãn hoặc nhượng bộ. Đối với nhà nước Việt Nam hai vấn đề không liên quan với nhau. Bên nhà nước Việt Nam họ coi vấn đề họ hành xử đối với đối lập chính trị hoặc tranh chấp tôn giáo, đất đai… nếu theo quan điểm của họ, thì họ làm theo luật pháp và nhu cầu chính trị nội bộ của họ.

Còn bên này người Việt của mình có thể có những vấn đề nào đó mà mình đòi hỏi, nhưng mà những điều kiện đó nó nên liên quan đến vị thế của người Việt hải ngoại, ví dụ như cho một ghế đại biểu Quốc hội tại Việt Nam cho người Việt hải ngoại, hoặc cho người về Việt Nam có quyền mua bán bất động sản một cách không giới hạn, hoặc có quyền thừa kế hay những quyền khác mà người Việt hải ngoại, mặc dù trên phương diện văn bản ở Việt Nam vẫn coi như công dân Việt Nam, nhưng đối xử vẫn còn rất phân biệt. Đó là những điều kiện tôi nghĩ nó relevant, tất nhiên là nó liên quan đến cuộc đối thoại này.

Chứ còn đòi hỏi những nội dung chính trị thay đổi toàn bộ đường đi của một thể chế chính trị, mặc dù nó rất hà khắc, hoặc nói như ông Dân biểu Cao Quang Ánh là “toàn trị”, thì dĩ nhiên điều đó người Việt hải ngoại rất là chống đối, người Việt trong nước cũng vậy; nhưng điều đó nó bất khả thi bởi vì nó rất lớn, không thể mở đầu cho một cuộc đối thoại về vấn đề Việt Kiều được.

VOA: Có người cho rằng, với một số điểm mạnh nhất định, ví dụ như mỗi năm gửi cả chục tỉ đôla về Việt Nam mà phía Việt Nam chẳng phải cung cấp một thứ hàng hóa hay dịch vụ gì; và với một số điểm yếu nhất định, ví dụ như thiếu đoàn kết thành một tổ chức có thực lực; người Việt hải ngoại có thể vận dụng cơ hội đối thoại này để biến nó thành một bàn đạp có lợi cho hơn 80 triệu người bên Việt Nam. Luật sư nghĩ sao?

LS Nguyễn Hữu Liêm: Cộng đồng hải ngoại mình là sức mạnh tự nhiên của một xã hội dân sự, không có thể đưa đến một định chế hoặc một cơ chế tổ chức nào có tính cách đại diện hay mang một tính thẩm quyền nào để nói chuyện với chính phủ Việt Nam cả; ngoại trừ có một định chế nào đó, đi qua về phía Quốc hội Hoa Kỳ, ví dụ như trường hợp của Dân biểu Cao Quang Ánh, hoặc một phái đoàn nào đó mà có các vị dân cử Việt Nam, ví dụ Dân biểu Trần Thái Văn ở Quốc hội tiểu bang Hoa Kỳ, hay là các nghị viên như Madison Nguyễn ở San Jose. Tất cả những cái đó có tính dân cử, đại diện cho cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ. Họ có thể lên tiếng như tập thể của người Mỹ gốc Việt Nam để tranh đấu cho những quyền lợi và đòi hỏi, kể cả những đòi hỏi về chính trị ở Việt Nam thì được. Nhưng đây là một tiến trình rất khó khăn.

Chuyện gửi tiền về hằng năm hay đi thăm bà con, du lịch là một tiến trình tự nhiên trong liên hệ giữa con người với con người. Còn vấn đề đối thoại và hòa giải, tôi nghĩ nó đi trên mức độ định chế giữa công quyền và một định chế khác ở Hoa Kỳ này. Tôi thấy cái đó nó có thể đi song song, nhưng cũng có thể rất là khó gặp gỡ nhau và hòa giải nhau trong giai đoạn này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG