VOA: Chính quyền Việt Nam có những yêu cầu hay điều kiện gì với chị trước khi trả tự do và cho chị ra nước ngoài tị nạn hay không?
Trần Khải Thanh Thủy: Đầu tiên, họ bắt tôi viết bản cảm tưởng về những ngày trong tù như thế nào và bắt tôi cam đoan rằng khi ra nước ngoài không được chống đối lại chính quyền. Tôi vẫn giữ vững quan điểm và lập trường của mình. Tôi nói chế độ nhà tù tại Việt Nam phải thay đổi tận gốc rễ, như việc giam 70, 80 người trong một phòng chật hẹp, mỗi phạm nhân chỉ được 60 cm, cả 70 người mới có được một hố xí chung, điều kiện ăn ở hết sức mất vệ sinh. Còn chuyện cấm tôi không được chống đối, tôi trả lời rằng bản chất tôi bộc trực, thẳng thắn. Tôi luôn coi mình là một nhà bất đồng chính kiến, nên những việc không hợp lý, không hợp tình thì tôi phải phản đối.
VOA: Chính quyền Việt Nam hồi đáp thế nào trước những phản hồi chị ghi lại như vậy?
Trần Khải Thanh Thủy: Có những lần họ bắt tôi phải viết đi viết lại. Thế nhưng cũng có những cái họ bảo thôi coi như cho qua.
VOA: Ngoài sự ủng hộ từ hải ngoại, theo chị, còn những yếu tố nào khác nữa giúp chị được phóng thích trước thời hạn và được sang Mỹ tị nạn trong số rất nhiều các trường hợp bất đồng chính kiến khác có hoàn cảnh tương tự như chị?
Trần Khải Thanh Thủy: Ngoài vấn đề sức khỏe của tôi, còn nhân vấn đề Biển Đông. Việt Nam bây giờ bị Trung Quốc nắm đằng chuôi vì công hàm bán nước năm 1958 của ông Phạm Văn Đồng theo lệnh của Hồ Chủ tịch. Cho nên Việt Nam cần tìm kiếm đồng minh, chính là Mỹ. Tháng 7 này giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ bàn về vấn đề Biển Đông và Việt Nam rất hy vọng Mỹ sẽ ủng hộ Việt Nam trong lĩnh vực này. Còn nhiều lý do lắm, nhưng lý do lớn nhất là tội ác quá trắng trợn của nhà nước Việt Nam đối với tôi. Tất nhiên, người đi tiên phong bao giờ cũng gặp kiếp nạn, nhưng kiếp nạn tôi gặp phải có lẽ là duy nhất ở Việt Nam. Chưa ai bị khủng bố như tôi. Họ ném bom phân 14 lần vào nhà tôi, rồi dựng chuyện đánh vỡ đầu tôi mà không có một chút sơ cứu nào. Suốt mấy tháng trời họ cắt thuốc của tôi trong trại giam Hỏa Lò đến mức tôi bị ngất lên ngất xuống 8 lần vì tiểu đường lên cao. Tôi còn bị đánh đập trong tù. Không những quản giáo sai phạm nhân đánh tôi, mà chính bản thân điều tra viên Nguyễn Hùng Tuấn cũng đánh tôi.
VOA: Phía Việt Nam nói chị sang Mỹ ‘tị nạn nhân đạo’. Là người trong cuộc, ý kiến của chị như thế nào?
Trần Khải Thanh Thủy: Việt Nam chẳng có nhân đạo gì đâu. Nếu họ có nhân đạo, họ phải thả hết tù nhân ra. Bao nhiêu anh chị em đồng chí hướng với tôi, bao nhiêu nhà dân chủ, nhà bất đồng chính kiến, nhà cải cách chính trị-xã hội như anh Cù Huy Hà Vũ chẳng hạn, những người đó xứng đáng được thả lắm. Thế nhưng họ đâu có thả. Những người bị bắt toàn là những người học thức đầy mình. Họ đã nhìn thấy cái sai, cái trái của lãnh đạo Việt Nam vì sự độc tài mà nuốt chửng tương lai dân tộc. Cho nên, họ đứng lên phản kháng. Nhưng trong cơn sợ hãi, chính quyền Việt Nam đã tung đòn đánh trước.
VOA: Chị không đồng ý với ý kiến cho rằng những trường hợp như chị là đi ‘tị nạn nhân đạo’. Theo chị, nói như thế nào mới đúng?
Trần Khải Thanh Thủy: Phải nói là ‘tị nạn chính trị’, chứ còn ‘tị nạn nhân đạo’ thì Việt Nam chả có tí nhân quyền hay nhân đạo nào đâu.
VOA: Trường hợp của chị không phải là đầu tiên mà cũng không phải là duy nhất. Chính quyền Việt Nam đồng ý trả tự do cho một nhân vật bất đồng chính kiến với điều kiện phải ra nước ngoài sống lưu vong. Theo chị, nên hiểu việc này như thế nào?
Trần Khải Thanh Thủy: Họ muốn tước đi trước mắt họ những gai nhọn. Ngoài trường hợp của chị Bùi Kim Thành, tôi là trường hợp thứ hai, nhưng tôi hy vọng sau tôi sẽ còn một số trường hợp khác.
VOA: Chị cho rằng đây là cách chính quyền Việt Nam ‘nhổ những cái gai nhọn’. Cũng có ý kiến cho rằng chính quyền Việt Nam không dung chấp những thành phần chống đối ‘có hại cho an ninh quốc gia’. Chị nghĩ sao?
Trần Khải Thanh Thủy: Chúng tôi là những người đấu tranh hợp pháp bất bạo động chỉ có lợi cho an ninh quốc gia thôi. Lãnh đạo Việt Nam bây giờ mới là thế lực phản động, làm phản lại quá trình tiến hóa của dân tộc.
VOA: Thực tế cho thấy những nhà bất đồng chính kiến từng tích cực cổ súy cho dân chủ khi ở trong nước, đến khi ra nước ngoài tị nạn thì hầu như mờ nhạt, không có đóng góp nào nổi bật hay hiệu quả. Ý kiến của chị về nhận xét này thế nào?
Trần Khải Thanh Thủy: Đó cũng là một thực tế, nhưng tôi hy vọng trường hợp của tôi là ngoại lệ. Tôi là người cầm bút. Trong tôi không chỉ là một ngọn lửa nhỏ mà là cả một hỏa diệm sơn. Sự hiểu biết của tôi về mặt trái trong xã hội Việt Nam cũng rất nhiều. Với nỗi bức xúc của tôi trước những cái khổ của bản thân cũng như của dân tộc Việt Nam, tôi nghĩ tôi sẽ làm được nhiều hơn những gì những người đi trước không làm được. Trọng tài công minh nhất là thời gian.
VOA: Nếu hệ quả con đường tranh đấu là đi tị nạn ở nước ngoài trở thành một xu hướng, một tiền lệ, chị mường tượng mọi việc sẽ như thế nào? Tác động của nó đối với chính những nhà tranh đấu dân chủ và với công cuộc đấu tranh vì dân chủ cho Việt Nam?
Trần Khải Thanh Thủy: Theo tôi, không nên cứ đấu tranh là phải đi tị nạn ở nước ngoài vì khi ra nước ngoài sẽ tắt lửa lòng rất nhanh, sẽ không có lợi cho phong trào. Phải đấu tranh trực tiếp, trực diện ngay trên mảnh đất đầy chông gai, khói lửa đấy thì tiếng nói mới vang cao hơn. Nhưng trường hợp của tôi là ngoại lệ. Nếu họ không bức tử tôi bằng cách cấm tôi cầm bút trong trại suốt thời gian giam cầm, thì tôi đã chọn con đường ở lại Việt Nam. Họ tước đoạt mọi quyền tự do, mọi niềm tin lẽ sống của tôi. Hễ tôi cầm cây bút lên là y như rằng tất cả kéo đến giằng bút, thu giấy của tôi. Đối với người cầm bút mà không được viết thì không khác gì bị bức tử cả. Chính vì lý do đó mà tôi mới chọn cách đi tị nạn như thế này để được tiếp tục cầm bút.
VOA: Những người tranh đấu trong nước bị trở ngại, nhưng những người tranh đấu bên ngoài Việt Nam cũng có những hạn chế nhất định. Theo chị, làm thế nào có thể vượt qua những hạn chế khi là một nhà tranh đấu bên ngoài Việt Nam?
Trần Khải Thanh Thủy: Tôi vẫn tiếp tục giữ ngọn lửa tranh đấu, niềm đam mê viết, và tôi sẽ viết như khi còn ở trong nước.
VOA: Khi đặt chân tới Mỹ, những lý tưởng và những mục tiêu chị xác định cho mình là gì?
Trần Khải Thanh Thủy: Mục tiêu của tôi là được sống thật với mình và sống tự do, được cầm bút trở lại. Tôi sẽ viết cuốn ‘Hỏa Lò: Cửa sinh tử của những kiếp buồn’. Tập thứ hai tôi sẽ viết về chính bản thân tôi là ‘Đời tù’và một cuốn nữa mang tính chính luận cao, phần hai của ‘Đêm giữa ban ngày ở Việt Nam’ nói lên mặt trái của xã hội Việt Nam khi cả nước có 372 trường học, nhưng có tới gần 900 nhà tù.
VOA: Theo chị, vai trò đóng góp của những tác phẩm chị dự định đó trong công cuộc vận động dân chủ cho Việt Nam như thế nào?
Trần Khải Thanh Thủy: Chắc chắn chúng sẽ như những tiếng bom nổ giữa thời bình.
VOA: Ngoài những gì chị vừa chia sẻ, chị có những dự định nào khác để không bị ‘tắt lửa lòng’ và để cho dòng mực trong ngòi bút của mình không bị phai nhạt?
Trần Khải Thanh Thủy: Đam mê của tôi từ bé là cầm bút. Nhà văn muốn được tỏa sáng phải sống hết mình, phải mài mòn mình ra mà viết. Tôi hy vọng những tháng ngày ở Mỹ, cùng với lòng biết ơn đối với nước Mỹ không những đã cứu thoát tôi ra khỏi tù mà còn cưu mang hai mẹ con tôi nữa, tôi sẽ có sự cộng hưởng sức mạnh tinh thần để thể hiện tác phẩm đầy đặn hơn. Điều tôi lo ngại nhất bây giờ là nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sẽ coi ông xã tôi như một cái chuôi để nắm. Chính thể Việt Nam không từ bất cứ một thủ đoạn bỉ ổi nào để bắt cái thiện phải im mồm.
VOA: Ngoài những trăn trở cho người thân của mình, chị có những suy tư, trăn trở gì cho công cuộc chung mà chị muốn nhắn gửi đến những người trong nước, những người quan tâm tới chị, quan tâm đến nền dân chủ của Việt Nam?
Trần Khải Thanh Thủy: Trăn trở thì nhiều lắm. Tôi thấy bão động đầy trời rồi mà tư tưởng của người dân Việt Nam còn chưa rung rinh. Tính đấu tranh đòi quyền lợi và tự do dân chủ trong thanh niên, lực lượng chính, cũng không được trang bị đến nơi đến chốn. Trong xã hội Việt Nam cũng có một cuộc vận động nội tại nhưng chỉ âm ỉ và chậm chạp thôi, tuy người dân Việt Nam đã mất niềm tin rất nhiều. Vẫn thiếu một ngọn lửa để thổi bùng lên. Đám đông không nhận thức được là họ có được những quyền như thế, mà thế nào cũng chịu vậy thôi. Tri thức của người Việt Nam về việc này nói chung rất kém.
VOA: Xin chân thành cảm ơn chị đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.
Trần Khải Thanh Thủy: Tôi phải cảm ơn vì mọi người đã quan tâm tới tôi.
VOA: Vừa rồi là nhà hoạt động dân chủ Trần Khải Thanh Thủy, từng là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội tham gia khối dân chủ 8406 và là Hội viên Danh dự của Hội Văn bút Quốc tế Anh. Nhà văn Thanh Thủy cũng được nhận Giải Hellman/Hammet, tức giải thưởng vinh danh các ngòi bút can đảm bị đàn áp chính trị trên thế giới, do tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế Human Rights Watch trao tặng.
Việt Nam vừa phóng thích và trục xuất nhà văn bất đồng chính kiến Trần Khải Thanh Thủy sang Mỹ ‘tị nạn nhân đạo’, theo giải thích của chính quyền Hà Nội. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với Trà Mi Ban Việt Ngữ đài VOA sau khi đặt chân tới Mỹ, nhà văn Thanh Thủy khẳng định bà qua Mỹ 'tị nạn chính trị', chứ không phải ‘tị nạn nhân đạo’ như tuyên bố của Việt Nam.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1