Đường dẫn truy cập

Thế giới kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ lần thứ 100


Phụ nữ tham gia cuộc tuần hành nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 2011 tại cây Cầu Thiên Niên kỷ ở London, ngày 8/3/2011
Phụ nữ tham gia cuộc tuần hành nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 2011 tại cây Cầu Thiên Niên kỷ ở London, ngày 8/3/2011

Phụ nữ trên khắp thế giới đã kỷ niệm lần thứ 100 Ngày Quốc tế Phụ nữ hôm thứ Ba. Thông tín viên Selah Hennessy đã cùng một nhóm phụ nữ gồm cả ngôi sao nhạc pop Annie Lennox kỷ niệm ngày lễ này tại cây Cầu Thiên Niên kỷ ở London và gửi về bài tường trình sau đây.

Phụ nữ đã đổ ra khắp các đường phố ở London ngày hôm qua để hát to ca ngợi nữ quyền. Các tấm biểu ngữ họ mang theo nêu bật một loạt các vấn đề vẫn cần được giải quyết ví dụ như sức khỏe, giáo dục và chính trị trong số nhiều vấn đề khác.

Tham gia vào cuộc tuần hành ở London còn có nhạc sĩ và nhà hoạt động Annie Lennox. Cô nói rằng cuộc chiến để giành nữ quyền vẫn chưa kết thúc.

Cô Annie Lennox nói: "Vẫn còn có rất nhiều việc phải làm liên quan đến sự bình đẳng cho phụ nữ, quyền bình đẳng của phụ nữ trên khắp thế giới – không chỉ ở những nước phát triển. Chúng ta đang ở Liên hiệp Vương Quốc Anh và thực tế có 4 cuộc tuần hành khác đang diễn ra trên các cây cầu khác nhau trên khắp thế giới.”

Cuộc tuần hành trên Cầu Thiên Niên kỷ ở London ngày hôm qua là biểu tượng cho Cây cầu của Hòa bình mà các nhà tổ chức muốn xây dựng trên khắp các khu vực xung đột trên toàn thế giới. Phụ nữ đã tụ tập ở khu vực miền đông của Cộng hòa Dân chủ Congo đầy xung đột, họ tề tựu ở Afghanistan, và họ cũng tụ tập ở Iraq. Tại London, một số các nữ chính trị gia hàng đầu và các nhà hoạt động cũng đã tham gia cuộc tuần hành.

Một người trong số họ là Tiến sĩ Habiba Sarabi. Hồi năm 2005, bà đã trở thành tỉnh trưởng đầu tiên và duy nhất của Afghanistan. Bà nói rằng bà muốn đem lại sức mạnh cho phụ nữ nước bà và chứng tỏ với cộng đồng thế giới rằng Afghanistan đang tiến lên về phía trước.

Bà Habiba nói: “Làm một nữ tỉnh trưởng không phải là một công việc dễ dàng. Đó là lần đầu tiên có phụ nữ làm tỉnh trưởng ở Afghanistan. Tuy nhiên, tôi đã giữ vị trí này bởi tôi muốn chứng tỏ rằng phụ nữ ở một xã hội như Afghanistan có thể làm những việc mà đàn ông có thể làm.”

Bà nói rằng vai trò tỉnh trưởng tỉnh Banyam của bà cho thấy Afghanistan đã tiến một bước dài kể từ khi phe Taliban bị lật đổ cách đây một thập niên. Tuy nhiên bà nói rằng điều đó cũng chưa dễ dàng gì.

Bà Habiba nói: “Có rất nhiều người đã phản đối tôi, họ đã muốn thực hiện một số hành động và chiến dịch tuyên truyền chống lại tôi và họ đã tổ chức các cuộc tuần hành. Tuy nhiên, dù sao tôi cũng đã không lùi bước.”

Một nhà hoạt động khác của Afghanistan đã đến London để tham gia Ngày Phụ nữ là bà Asila Wardak Jamal, người đồng sáng lập Mạng lưới Phụ nữ Afghanistan.

Bà nói rằng trao quyền hành cho phụ nữ ở Afghanistan là việc khó khăn bởi nhiều người vẫn còn chật vật để đáp ứng những nhu cầu cơ bản như thức ăn.

Bà Jamal nói: “Vẫn còn rất nhiều vấn đề. An ninh là một mối quan ngại lớn và một rào cản lớn cho phong trào của phụ nữ và sự phát triển của phụ nữ. Bạo lực đối với phụ nữ cũng là một quan ngại lớn đối với phụ nữ Afghanistan. Bạo lực ở mọi cấp độ gia đình và xã hội đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên vẫn có cơ hội để khắc phục điều đó.”

Đó là lý do tại sao những người phụ nữ ở London nói rằng họ và những người khác trên khắp thế giới, đã tụ tập nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ – để đưa nhu cầu của phụ nữ lên thành vấn đề hàng đầu của chương trình nghị sự toàn cầu.

Nhà hoạt động cho nhân quyền và cũng là một diễn viên điện ảnh Bianca Jagger đã có mặt trong cuộc tụ tập ở London. Bà nói phụ nữ có thể cùng nhau làm việc đó.

Bà Jagger cho biết: “Chúng ta cần phải tạo ra một sự khác biệt và sự khác biệt đó có thể do chúng ta, trong tư cách những người mẹ, tạo ra. Và chúng ta có thể tạo ta sự khác biệt cho phụ nữ trên khắp thế giới.”

Ngày Phụ nữ đầu tiên được chào mừng ở Đức vào năm 1911 và hiện được chào mừng ở hơn 100 nước trên thế giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG