Một bài báo đăng trên tờ Washington Post trong tuần qua nói về trường hợp một nông dân Ấn Độ, anh S. Debarasu, với con bò sữa đáng giá của anh. Bài báo viết rằng nếu con bò sữa quí giá của anh chẳng may bị xe đụng hay lốc xoáy giết chết thì đấy sẽ là một thiệt hại nặng cho anh.
Nhưng nhờ có bảo hiểm mới, 14 đô la một tháng, cho đàn bò 4 con mà nay anh Debarasu có thể yên tâm làm ăn. Đây là một trong những loại bảo hiểm tiêu biểu cho một bước tiến đáng kể của niềm hy vọng là nước Ấn sẽ đưa hằng trăm triệu người dân tiến đến sung túc, thịnh vượng. Trong một sớm một chiều tại vùng thôn quê rộng lớn ở nước Ấn, người ta thấy xuất hiện hàng loạt những loại bảo hiểm cho trâu bò, gà vịt, máy cày, máy kéo, xe tải và cả bảo hiểm nhân thọ nữa. Đây là chỉ dấu cho thấy tình trạng ổn định về kinh tế của giới trung lưu nay đã lan rộng trong số dân lến đến 1 tỉ 200 triệu người.
Trong lúc nền kinh tế đang tăng trưởng ở mức 7%, sự thịnh vượng đã lan tỏa ra xa, vượt quá khỏi những thành phố lớn New Delhi và Mumbai để đến được tận những thôn làng xa xôi, nơi sinh sống của phần lớn dân chúng nước này.
Đứng gần chuồng trâu ở bên ngoài căn nhà khang trang 3 phòng ngủ, nhìn sang 4, 5 sào ruộng trước mặt trong một thôn làng ở miền nam nước Ấn, anh Debarasu cho biết mức sống của anh giờ đây khấm khá hơn cả những gì mà cha anh ngày xưa hằng mơ ước. Trong lúc đứng nói chuyện thì con gái anh vừa bước ra khỏi chiếc xe taxi, tay cầm tờ đơn để nộp xin vào đại học. Anh cho biết con gái anh sẽ là thế hệ đầu tiên trong gia đình học lên cao. Trước kia chẳng ai trong gia đình dám nghĩ đến bảo hiểm hay đại học gì cả.
Anh Debarasu là một tiêu biểu cho sự tiếp cận mới với những dịch vụ tân tiến đang ngày càng gia tăng tại vùng quê nước Ấn: đó là dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng và tín dụng.
Đối với thế hệ cha ông của anh, dành dụm có nghĩa là ấn một nắm tiền vào một ống bơ rỉ đem cất dấu trong nhà. Nhưng năm 2006 anh Debarasu đã mở tài khoản đầu tiên tại một ngân hàng mới trong thị trấn gần nhà. 3 tháng trước đây anh mua bảo hiểm cho 4 con bò sữa, tháng trước anh mua bảo hiểm cho chiếc máy cày mới tinh, và mới nhất, chừng nửa tháng, anh mua bảo hiểm tai nạn cho anh.
Ngoài lợi ích là một biện pháp an toàn cho người mua, bảo hiểm còn là một chất xúc tác kinh tế giúp cho những nông dân như anh Debarasu yên tâm mà mạnh dạn đầu tư như mua thêm gà vịt, trâu bò hay những nông cụ mới mà không sợ chỉ vì một trận bão hay tai nạn là mất nghiệp, trắng tay.
Trong lúc thế giới còn đang chật vật tìm cách thoát khỏi cơn suy thoái thì nền kinh tế Ấn độ, tăng trưởng ngang ngửa với Trung Quốc, đang có những thị trường tiêu thụ nội địa mở rộng ra khỏi những khu vực thị tứ. Ông K.G. Krishnamoorthy Rao, giám đốc chấp hành của công ty bảo hiểm Future Generali India Insurance cho biết công ty có trụ sở ở Mumbai này năm ngoái đã bảo hiểm cho 40 ngàn trâu bò lừa ngựa không thôi, chưa kể đến nhiều loại bảo hiểm khác nữa. Công ty Generali và nhiều công ty bảo hiểm tư khác thường là đối tác với những tổ chức phi chính phủ để tiến tới với các nông dân. Những tổ chức phi chính phủ này cũng theo dõi các công ty bảo hiểm hầu tránh để xảy ra chuyện các công ty bảo hiểm có những mưu mô bất lương đối với khách hàng.
Ông Rao cho biết: "Hiện nay khu vực nông thôn ở Ấn Độ là một tiền đồn mới cho mức tăng trưởng mạnh đầy hào hứng. Công ty chúng tôi bảo hiểm từ máy cày, máy bơm nước, ngay cả gà vịt nữa. Đây là một dấu hiệu đầy phấn khởi cho thấy nền kinh tế đang lớn mạnh như thế nào trong nhiều thôn làng miền quê."
Theo kinh tế gia Paranjoy Guha Thakurta, sự kiện các cộng đồng thôn quê mua bảo hiểm và đang tiến vào giai cấp tiêu thụ là bằng chứng cho thấy những khát vọng, ý thức và niềm tin vào tương lai tại Ấn Độ ngày nay. Người dân không còn phó mặc cho định mệnh nữa. Giấc mơ của giới trung lưu Ấn đã tiến sâu vào trí tưởng của dân chúng miền quê nước này.
Sự phồn thịnh ở vùng thôn quê nước Ấn có được một phần là nhờ nhu cầu và giá cả tăng lên đối với những nông phẩm như gạo, lúa mỳ và những sản phẩm khác trồng tại các nông trại.
Nhưng đấy không phải là những lý do duy nhất. Sở dĩ thôn quê Ấn Độ tiến tới được tình trạng như ngày nay cũng là nhờ sự huy động chính trị.
Đảng Quốc Đại của thủ tướng Mamohan Singh đã thúc đẩy điều được gọi là "tăng trưởng qui tụ mọi thành phần" để giúp giới nghèo ở nông thôn. Đây là một triết lý thực dụng trong một quốc gia mà giới nghèo và giới công nhân luôn luôn đến phòng phiếu chọn người đại diện trong các cuộc bầu cử trong khi giới ăn trên ngồi chốc bị vỡ mộng thường ngồi nhà không chịu đi bầu.
Tại những vùng quê gặp nạn mưa ít hay năm nào mưa đến muộn, chính phủ giúp cho nông dân bằng cách xóa nợ, triển hạn thêm thời gian trả nợ hoặc hạ giảm lãi suất cho nông dân.
Nông dân khi được hưởng những chương trình phúc lợi của chính phủ thường bị đòi phải mở tài khoản tại ngân hàng.
Điểm đáng nói nhất là đạo luật Bảo Đảm Nhân Dụng cho Nông Thôn Toàn Quốc. Theo luật này, những người dân có thu nhập thấp tại Ấn được bảo đảm có việc làm 100 ngày một năm. Theo trông đợi thì luật này sẽ giúp ích cho gần 45 triệu gia đình trong năm nay.
Đồng lương trả cho công nhân qua chương trình này được gửi thẳng vào tài khoản ngân hàng hay tài khoản bưu điện của họ, chủ yếu là để dẹp nạn tham nhũng, nhưng nó cũng có hiệu quả là tạo cơ hội cho hàng triệu người nghèo lần đầu tiên có trương mục tiết kiệm.
Điểm đẹp nhất của nước Ấn Độ hiện nay là tiêu thụ đang được đẩy mạnh từ các khu vực nông thôn. Các kênh truyền hình giải trí mới đã tiến sâu vào nông thôn Ấn. Tại vùng quê ở bang miền nam Tamil Nadu, các bảng quảng cáo sản phẩm mới được đặt trong một bối cảnh đang thay đổi. Cùng với các cửa hàng bán hạt giống và những nơi cung cấp dịch vụ sửa chữa nông cụ là những trường cao đẳng công nghệ, các trung tâm huấn luyện điện toán.
Đây là tất cả những dấu hiệu của một nước Ấn đang thực hiện một cuộc chuyển đổi lớn lao từ cày cấy tay chân sang lao động chuyên môn.
Hy vọng Ấn Độ sẽ trở thành tấm gương sáng cho các quốc gia mà thành phần dân chúng nông thôn chiếm đa số vẫn phải sống trong tình trạng cơ cực trong khi họ chính là những người cống hiến công lao to lớn, thiết thực cho xã hội.
Có mấy ai nghĩ là những nhà nông ở miền quê sẽ mua bảo hiểm cho gà vịt, trâu bò, máy cày, máy kéo hay không? Hầu hết chúng ta đều cho là không. Tuy nhiên hiện nay những loại bảo hiểm như thế đã xuất hiện khá phổ thông ở miền quê Ấn Độ, và cùng với chính sách nâng đỡ dân nghèo thôn quê, nông thôn nước Ấn đang chuyển mình để tiến tới tình trạng sung túc hơn, hy vọng thoát khỏi hình ảnh cố hữu của những vùng quê đói nghèo sơ xác. Mời quí vị theo dõi một số chi tiết do Lan Phương trích thuật từ báo chí Mỹ sau đây.