Mặc dù những đám tro bụi vẫn còn tiếp tục phả ra, ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Indonesia đã tạm lắng để dân chúng bắt đầu trở về nhà ở các làng mạc bị tàn phá bởi vụ phún xuất mới nhất của ngọn núi Merapi hôm 5 tháng này.
Công tác đào bới những căn nhà phủ đầy tro đã tiến hành chậm chạp, và mãi cho đến nay mới phát hiện được các nạn nhân bị chôn vùi trong vụ phún xuất tuần trước. Những người khác chết vì những vết bỏng khi những đám mây khí nóng rát tràn qua những ngôi làng cách miệng núi lửa tới 15 kilomet.
Hôm qua, chính phủ đã giảm bớt chu vi di tản quanh núi lửa từ 20 kilomet xuống tới 10 kilomét, nới bớt một số áp lực đối với các trại sơ tán. Những người theo dõi núi lửa cho hay nguy cơ vẫn còn, nhưng các giới chức đang tính trước công tác phục hồi.
Các giới chức cho biết có khoảng 400.000 người đi lánh nạn tại các nơi tạm trú quanh núi lửa trong mấy tuần vừa qua. Hôm nay, một giới chức quản lý thiên tai chỉ nói rằng có vài ngàn người lên đường trở về nhà để tìm lại cuộc sống dưới bóng núi Merapi.
Ông Sri Purnomo là người đứng đầu quận Sleman, một trong những quận bị thiệt hại nặng nhất vì những vụ phún xuất. Ông cho biết chính phủ dự định biến một số khu vực quanh núi lửa thành một công viên quốc gia và sẽ trợ giúp trong các nỗ lực tái thiết.
Giới chức này nói rằng nếu dân chúng trở về đất đai của họ lúc này, thì chính phủ sẽ giúp họ sửa chữa nhà cửa. Nhưng chính phủ cũng sẽ xây dựng giáo dục và sự tôn trọng luật pháp của họ, để lần tới họ sẽ tuân theo các mệnh lệnh sơ tán.
Nhiều người đã làm lơ trước các lệnh sơ tán, ngay cả khi những vụ phún xuất trở nên mạnh hơn. Một số người tin rằng sẽ có thần linh núi lửa phù hộ họ thoát cơn hiểm nguy, trong khi những người khác trở về nhà để kiểm tra hoa mầu và gia súc.
Chính phủ đã bị chỉ trích vì không áp đặt lệnh sơ tán nghiêm khắc hơn.
Kể từ khi núi Merapi bắt đầu phun lửa vào ngày 26 tháng 10, chính phủ đã nâng cấp hoạt động của khoảng 20 núi lửa khác. Chính phủ đã đề cao cảnh giác hoạt động của ít nhất 3 ngọn núi lửa.
Indonesia nằm trên vành đai lửa trong vùng Thái bình dương, bao gồm những vùng duyên hải phía tây của Bắc và Nam châu Mỹ cùng những đảo quốc lớn ở châu Á là Indonesia, Philippines và Nhật Bản. Vùng này dễ bị động đất nặng và là nơi xảy ra những vụ núi lửa hoạt động mạnh nhất trên thế giới.
Các vụ phún xuất mới đây ở núi Merapi là những vụ lớn nhất từ hơn 1 thế kỷ, tuy rằng một vụ vào năm 1930 đã gây thiệt mạng cho khoảng 1.300 người.
Nhân viên cứu hộ đã phát hiện thêm xác người trong khi những vụ phún xuất từ ngọn núi lửa Merapi ở Indonesia giảm bớt trong mấy ngày vừa qua. Số tử vong nay đã lên tới trên 250 người, nhưng núi lửa đã lặng nên một số người đi sơ tán bắt đầu trở về nhà. Từ Jakarta, thông tín viên VOA Sara Schondardt gửi về bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1