Các nhân viên cứu trợ Indonesia hôm 25/12 đã dùng thiết bị bay và chó đánh hơi để tìm kiếm người sống sót dọc theo bờ biển miền đông của Java bị tàn phá nặng nề trong trận sóng thần giết chết ít nhất 429 người và cảnh báo con số tử vong sẽ tăng thêm khi nhiều thi thể được tìm thấy trong đống đổ nát.
Tro bụi dày đặc tiếp tục phun ra từ núi lửa Anak Krakatau, nơi mà một lượng lớn đất đá sụt xuống biển vào lúc thủy triều lên hôm 22/12 gây ra sóng thần ập vào các vùng ven biển ở cả hai phía của Eo biển Sunda nằm giữa các đảo Sumatra và Java.
Ít nhất 154 người vẫn còn mất tích. Hơn 1.400 người bị thương và hàng ngàn người dân phải di chuyển đến nơi cao hơn.
Các nhân viên cứu hộ đã dùng máy móc hạng nặng, chó đánh hơi và camera đặc biệt để tìm và đào bới thi thể khỏi các đống đổ nát và bùn đất dọc theo chiều dài 100 km ở bờ Tây của Java và các quan chức cho biết khu vực tìm kiếm có thể mở rộng ra về phía nam.
“Có một số khu vực mà trước đây chúng tôi nghĩ rằng không bị ảnh hưởng,” ông Yusuf Latif, phát ngôn nhân của cơ quan tìm kiếm cứu nạn quốc gia, nói. “Nhưng giờ đây khi chúng tôi kìm kiếm ở những khu vực xa xôi… chúng tôi đã tìm thấy rất nhiều nạn nhân.”
Mất 24 phút sau khi đất sụt thì các đợt sóng thần mới vào đến bờ mà không có lời cảnh báo nào được đưa ra cho các cư dân ven biển.
Giới chức đã cảnh báo sẽ còn có thêm những đợt sóng cao khác nữa và khuyên người dân tránh xa các bờ biển.
“Do Anak Krakatau đã phun trào trong vòng những tháng vừa qua thì không loại trừ sẽ có thêm sóng thần nữa,” Tiến sỹ Hermann Fritz thuộc Viện Công nghệ Georgia nhận định.
Các nỗ lực cứu trợ đã gặp trở ngại do mưa lớn và tầm nhìn thấp. Các đội quân sự và các nhóm tình nguyện điều khiển các thiết bị bay để đáng giá mức độ thiệt hại dọc theo bờ biển.
Thực phẩm, nước sạch, chăn mền và thuốc men đang được đưa nhỏ giọt vào những khu vực xa xôi trên những con đường kẹt cứng xe cộ.
Hàng ngàn người vẫn đang trú ngụ trong lều và những khu ở tạm như thánh đường và trường học. Nhiều người vẫn còn hoảng loạn sau thảm họa.
“Chúng tôi không thể ngủ vào ban đêm, và nếu chúng tôi thiếp đi khi một chiếc xe chạy ngang qua hú còi thì chúng tôi lại tỉnh dậy và lo sợ,” Enah, người phụ nữ đã sống sót cùng với gia đình, cho biết.
Một quan chức địa phương ở thành phố Labuan, tỉnh Atmadja Suhara, nói rằng ông đang chăm sóc 4.000 người chạy nạn, nhiều người trong số họ đã mất nhà cửa.
“Mọi người đang trong tình trạng hoảng loạn,” ông nói. “Chúng tôi thường gặp thảm họa, nhưng không tồi tệ như thế này.”
Sự tàn phá có thể nhìn thấy rõ dọc theo bờ biển sau khi những cơn sóng cao đến 2 mét đè nát xe cộ, quật ngã cây cối, cuốn đi những mảnh kim loại, những cột nhà bằng gỗ, vật dụng gia đình và để chúng trên đường phố và ruộng lúa.
Ở ngoài biển, núi lửa Anak Krakatau vẫn tiếp tục phun trào và chính quyền đã áp đặt vùng cấm rộng 2 km xung quanh nó.
Các cơ quan khí tượng cho biết một diện tích khoảng 64 hectare, tương đương 90 sân bóng đá, của hòn đảo núi lửa này đã đổ sụp xuống biển.
Thảm họa xảy ra đúng vào dịp Giáng sinh gợi nhớ những ký ức đau buồn của trận sóng thần Ấn Độ Dương do động đất gây ra vào ngày 26/12 năm 2004 làm chết 226.000 người ở 14 quốc gia, trong đó có 120.000 chỉ riêng ở Indonesia.