Cảnh sát Aceh đã phát hiện hải tặc sau khi bọn chúng cướp chiếc tàu KM Galant, một chiếc tàu của Singapore băng ngang qua eo biển Malacca hồi đầu tháng 9.
Bọn hải tặc đòi một khoản tiền chuộc là 77.000 đôla, và cảnh sát đã đánh lừa là bọn chúng sẽ được trả tiền. Thay vì thế, 4 người bị cho là hải tặc đã bị bắt trong tuần trước.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Michale Tene cho biết có nhiều phần chắc các vụ bắt giữ này là dấu hiệu của một mạng lưới to lớn hơn hoạt động trong khu vực thương mại sách lược này.
Ông Tene nói: "Tôi sẽ không lấy làm lạ nếu các hoạt động cướp biển trong khu vực nằm trong khuôn khổ một mạng lưới to lớn hơn bởi vì, chắc chắn, nếu một chiếc thuyền hay chiếc tàu nào bị cướp thì đám hải tặc sẽ chiếm tàu và hàng hóa và như thế sẽ cần đến một tổ chức rất tinh vi để tránh phát hiện bởi bị giới hữu trách hàng hải của các nước có liên hệ. Tôi nghĩ sự hiện hữu của một tổ chức như thế không phải là điều lạ.”
Thủy lộ hẹp giữa Malaysia và đảo Sumatra của Indonesia là một trong những khu vực hàng hải quan trọng nhất trên thế giới. Khoảng 30% công cuộc giao thương và phân nửa những chuyến hàng chở dầu của thế giới đi ngang qua eo biển này, khiến nó trở thành một mục tiêu hấp dẫn cho hải tặc.
Cảnh sát trưởng Aceh Iskandar Hasan cho biết 4 người đàn ông bị bắt đã bị phát hiện mang súng lục và lựu đạn và nhận chỉ thị của một tù nhân đang bị giam tại một nhà tù ở Bắc Sumatra.
Cảnh sát nói của cải cướp được trong các hoạt động hải tặc được chia giữa thủ lãnh đang bị giam giữ và băng đảng của hắn ta, với 10% cúng cho các cô nhi viện.
Tuy nhiên, người phát ngôn bộ Ngoại giao Indonesia nói việc hải tặc chi tiêu tiền không biện minh cho các vụ tấn công.
Ông Tene nói: “Dứt khoát là mục đích không biện minh được cho các phương tiện, cho dù có ý đồ tốt thì chắc chắn các phương tiện để đạt được các ý đồ ấy cũng không thể biện minh được. Bất kể lập luận cách nào thì cướp biển cũng vẫn là một tội ác nghiêm trọng cần phải xóa bỏ.”
Hải tặc trong eo biển Malacca dài 900 kilomet lâu nay vẫn là một mối quan ngại cho Indonesia và các nước láng giềng Malaysia và Singapore. Trước đây trong tháng này, Malaysia và Indonesia đã phát động một chiến dịch tuần tra hỗn hợp trong khu vực, nằm trong khuôn khổ một loạt các biện pháp nhắm mục đích cải thiện sự phối hợp chống hải tặc.
Ông Tene nói tiếp: “Cách đây khoảng 1 thập niên, chúng ta phải đối đầu với các vấn đề nghiêm trọng về hải tặc trong eo biển Malacca, nhưng kể từ khi đó, Indonesia đã tiến hành các biện pháp giải quyết các vấn đề này...Chúng ta đã khai triển một công cuộc hợp tác khu vực với các quốc gia khác để xử lý hữu hiệu các vấn đề này...Công cuộc hợp tác đã mang lại thành quả mỹ mãn so với cách đây 1 thập niên. Số các vụ cướp biển trong eo biển Malacca đã sụt giảm đáng kể và điều này chứng tỏ tính hữu hiệu của công cuộc hợp tác này.”
Trong nửa đầu năm nay, Cục Hàng hải Quốc tế đã ghi nhận hơn 50 vụ hải tặc ở khắp Indonesia, Malaysia, Singapore và vùng biển phía nam Trung Quốc. Một trung tâm theo dõi hải tặc khu vực ở Singapore báo cáo rằng, mặc dù tình trạng hải tặc nói chung ở châu Á đã có cải thiện trong năm vừa qua, các tuyến hàng hải gần đường ven biển Indonesia vẫn là các địa điểm thường xuyên nhất của các vụ tấn công hải tặc.
Vụ bắt hải tặc Indonesia cho thấy mạng lưới lớn hơn ở Eo biển Malacca
- Kate Lamb
Cảnh sát Indonesia ở Aceh thuộc bắc bộ Sumatra, đã xác nhận việc bắt giữ 4 tay hải tặc mà họ nói là nằm trong một tổ chức lớn hơn hoạt động trong vùng eo biển Malacca. Nghe nói tổ chức này nằm dưới sự chỉ huy của một tù nhân trong một nhà tù ở Bắc Sumatra và nhận là sử dụng một phần trong của cải cướp được cho các cơ quan từ thiện. Từ Jakarta, thông tín viên Kate Lamb của đài VOA gửi về bài tường thuật sau đây.