Đường dẫn truy cập

Indonesia, Malaysia đả kích quyết định của TT Trump về Jerusalem


Người Hồi giáo biểu tình trước Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Jakarta của Indonesia, ngày 8/12/ 2017
Người Hồi giáo biểu tình trước Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Jakarta của Indonesia, ngày 8/12/ 2017

Indonesia mạnh mẽ chỉ trích quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chuyển đại sứ quán Hoa Kỳ từ Tel Aviv về Jerusalem, một động thái mang tính biểu tượng và gây nhiều tranh cãi được coi là thiên vị Israel một cách rõ rệt trong bối cảnh cả Israel lẫn Palestine đều tuyên bố thánh địa Jerusalem là, hoặc sẽ là thủ đô của họ.

Đến dự hội nghị dân chủ ở Jakarta sáng hôm Thứ Năm 7/12, Ngoại Trưởng Indonesia Reno Marsudi đeo một khăn choàng keffiyeh màu đen và trắng của Palestine như một biểu tượng của tình đoàn kết với người Palestine, và bà không dùng ngôn từ ‘ngoại giao’ khi nói lên cảm nghĩ của mình.

“Chúng tôi lên án quyết định công nhận Jerusalem”, bà Marsudi nói trong bài diễn văn khai mạc Diễn đàn Dân chủ Bali.

“Tôi đứng tại đây, đeo khăn choàng của Palestine để chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Indonesia, của nhân dân Indonesia, sẽ luôn luôn sát cánh với nhân dân Palestine, bênh vực quyền lợi của họ. Indonesia sẽ luôn luôn sát cánh với Palestine.”

Tổng thống Joko Widodo cũng đề cập tới vấn đề này khi ngỏ lời với báo chí từ Dinh Bogor hôm thứ Năm.

“Indonesia mạnh mẽ lên án hành động của Hoa Kỳ đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, và yêu cầu Hoa Kỳ tái xét quyết định này”, ông Jokowi nói.

“Hành đông đơn phương này vi phạm nhiều nghị quyết khác nhau của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và Hội đồng Bảo an LHQ mà Hoa Kỳ là một thành viên thường trực, và có thể đảo lộn an ninh và sự ổn định toàn cầu.”

Ngôn ngữ mạnh mẽ bất thường

Những lời lên án tức thời này, đặc biệt đến từ Tổng thống Jokowi- vốn là một người thận trọng trong lời nói, là phản ứng mạnh mẽ hơn nhiều so với những lối thể hiện trước đây của Indonesia trước những quyết định gây nhiều tranh cãi của chính quyền Tổng thống Trump, kể cả cái gọi là “lệnh cấm Hồi giáo”, tức là lệnh cấm du hành áp dụng với 7 nước có đa số dân theo Hồi giáo của chính quyền Mỹ vào đầu năm 2017. Lúc đó, ông Jokowi đề nghị dân Indonesia hãy “im lặng”, đừng phát biểu gì về chính sách này bởi vì Indonesia không bị tác động trực tiếp.

Indonesia là nước đông dân nhất theo Hồi giáo của thế giới, và từ lâu vẫn tuyên bố đoàn kết với một quốc gia Palestine. Palestine có một ‘đại sứ’ không chính thức tại Jakarta.

Israel không có đại sứ quán tại Indonesia và đổi lại, Indonesia cũng không đặt đại sứ quán ở Israel, hai quốc gia này không có quan hệ ngoại giao chính thức mặc dù trong vòng riêng tư, hai nước trong nhiều năm qua vẫn kín đáo hợp tác với nhau trong các lĩnh vực thương mại và an ninh.

Năm 2005, ngoại Trưởng Indonesia lúc bấy giờ tuyên bố rằng các quan hệ ngoại giao toàn diện với Israel chỉ khả thi một khi vấn đề Palestine đã được giải quyết.

Malaysia, nước láng giềng của Indonesia cũng có đa số dân theo Hồi giáo, cũng lên án quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

“Tôi kêu gọi các tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới hãy gióng lên tiếng nói của mình, hãy minh định lập trường của chúng ta, cực lực chống đối bất cứ quyết định nào thừa nhận Jerusalem là thủ đô vĩnh viễn của Israel”, ông Andreas Harsono, nhà nghiên cứu cấp cao của Tổ chức Human Rights Watch ở Jakarta, nói.

“Tâm điểm của vấn đề là Israel rêu rao họ coi Jerusalem là một thành phố thống nhất, nhưng thực tế là có một loạt luật lệ cho người Do Thái, và một loạt luật lệ quy định khác áp dụng cho người Palestine… Israel trong thời gian qua đã tìm cách áp lực cư dân Palestine sinh sống trong thành phố Jerusalem bị chiếm đóng phải rời bỏ nhà cửa của họ, thông qua một chính sách tản cư có hệ thống, vi phạm luật pháp quốc tế.”

Tình cảm chống Israel xen lẫn với tinh thần bài Do thái

Một khía cạnh đen tối hơn của cảm tình mà người Indonesia dành cho người Palestine, được chia sẻ với phần lớn thế giới Hồi giáo, là một làn sóng bài Do thái vùi sâu trong xã hội Indonesia.

Ông Yohanes Sulaiman, một chuyên gia về quốc phòng tại Đại học General Achmad Yani, nhận định:

“Rất nhiều người ủng hộ chính nghĩa của người Palestine, nhưng thành thực mà nói, họ cũng rất ghét người Do thái, ngay cả khi họ chưa từng gặp bất cứ người Do thái nào trong đời.”

Ông Sulaiman nói tại Indonesia, thì người Do thái được coi như một “ông ba bị” (một thành phần bất hảo) khác, như những người cộng sản hay những người đồng tính (LGBT).

Trong dân gian lan truyền câu chuyện về “một trận đánh tới tận thế giữa những người Palestine, những người Hồi giáo tốt, với người Israel, những kẻ bất hảo.” Ông nói: “Vì thế không có gì là ngạc nhiên khi thấy ông Jokowi lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề này.”

Mới tháng trước ở Indonesia, có một cuộc triển lãm ảnh selfie gây nhiều tranh cãi, với ảnh của một bức tượng bằng sáp của Adolf Hitler trên phông là một hình vẽ phác họa trại tập trung của Đức Quốc Xã ở Autschwitz, cuộc triển lãm này ở Yogyakarta đã bị buộc phải đóng cửa. Hồi đầu năm nay, một quán cà phê kiểu Đức Quốc xã ở Bandung cuối cùng cũng phải đóng cửa.

VOA Express

XS
SM
MD
LG