Trong một liên minh khó có thể có được, giới bảo vệ môi sinh và các doanh nghiệp có liên quan đến rừng hôm nay đã biểu quyết về việc duyệt lại các tiêu chuẩn quy định vào năm 1994 cho phép Hội đồng Bảo vệ Rừng cấp giấy chứng nhận cho các công ty vừa có liên hệ đến việc phá rừng để làm giấy và bột giấy, là bên thúc đẩy phần lớn các hoạt động đồn điền ở Indonesia và Malaysia.
Hội đồng, gồm một nhóm các chủ doanh nghiệp và các nhà bảo vệ môi sinh thường được biết đến qua logo trên các sản phẩm gỗ, xác nhận rằng các sản phẩm mang logo FSC của họ không góp phần vào việc phá hoại các khu rừng trên thế giới. FSC hiện không cấp giấy chứng nhận cho các đồn điền đã tham gia vào việc phá rừng kể từ năm 1994.
Giới chỉ trích nói rằng nới lỏng các tiêu chuẩn thành viên của FSC có thể đe dọa đến uy tín của hội đồng và có thể đưa tới việc mất thêm rừng ở các nước thiếu sự theo dõi về rừng.
Nhưng giới ủng hộ thì cho rằng FSC sẽ cho ảnh hưởng lớn hơn nếu thu nhận các công ty đã khai phá rừng để hoạt động đồn điền.
Ông Aditya Bayunanda, phối hợp viên của Quỹ Dã Sinh Thế giới ở Indonesia, nói rằng sự thay đổi là cấp thiết cho việc ngăn chặn phá rừng tại một nước đang phải đối phó với sự mất mát rừng lan tràn.
Ông nói: “Quy định năm 94 hiện hành trên thực tế đã loại trừ rất nhiều đồn điền đã được phát triển, và chúng ta không thể dùng chứng nhận của FSC như một công cụ để quảng bá cho tính bền vững của họ và để thúc đẩy họ tiến tới tổ chức bởi lẽ họ không thể được thu nhận.”
Theo các số liệu thu thập được bởi Hội đồng Quốc gia Indonesia về Biến đổi Khí hậu, Indonesia có thể mất hơn 20% các khu rừng còn lại trước năm 2030 nếu các doanh nghiệp tiếp tục phá rừng.
Các thành viên FSC nói rằng việc chứng nhận thúc đẩy các công ty giảm bớt tác động đối với rừng, nhưng muốn đạt được hiệu quả nhiều nhất thì tổ chức phải giải quyết những vấn đề đã kéo dài từ lâu và những vụ tranh cãi xoay quanh các tập tục về đồn điền.
Quyết định thông qua hôm nay mở lại cuộc tranh luận về loại đất nào nên được chứng thực, trong điều kiện như thế nào và liệu đất có thể chuyển đổi có vẫn được FSC chứng thực hay không.
Những người bỏ phiếu chống quyết định này nói rằng quyết định quá tổng quát, và không ghi rõ hướng dẫn về cách làm thế nào để cải thiện quản lý rừng, vốn là trung tâm điểm của các hoạt động FSC.
FCS chứng nhận các doanh nghiệp có liên quan đến rừng dựa vào các tiêu chuẩn gắt gao theo đúng mực thước về trách nhiệm môi trường, xã hội và kinh tế. Dấu ấn của FSC được cho là bảo đảm rằng các sản phẩm gỗ và giấy được thu hoạch một cách bền vững.
Loại chứng thực này ngày càng quan trọng trong các thị trường mà giới tiêu thụ quan tâm muốn biết rõ rằng các sản phẩm của họ kèm theo cam kết đối với trách nhiệm môi trường.
Ông Alistair Monument, Giám đốc châu Á của Hội đồng Bảo vệ Rừng, nói rằng việc chứng thực tạo ra những khuyến khích cho tính bền vững.
Ông nói: “Tôi nghĩ qua việc có được một hệ thống rất vững vàng và một lực kéo thị trường mạnh, việc chứng thực tạo ra các khích lệ để các công ty này thay đổi. Và chúng ta đang chứng kiến sự kiến các công ty quản lý rừng lớn hiện đang tìm cách chiếm lĩnh thị trường, nếu không thì họ sẽ bị bất lợi về tài chính.”
Các nhà hoạt động rừng nói rằng tuy có giảm thiểu được lượng rừng bị cắt, việc chứng thực không thôi chưa đủ để bảo đảm việc quản lý rừng một cách bền vững.
Trong những năm vừa qua, họ đã nêu ra những quan ngại về uy tín của các nhà thanh tra làm công tác chứng thực các hoạt động đốn gỗ. Những người khác lo sợ rằng những nước như Indonesia, nơi việc phá rừng là kết quả của tham nhũng, và thực thi công lực yếu kém, thì việc chứng thực không có nghĩa lý gì.
Chưa đầy 1 triệu trong số 120 triêu hecta rừng của Indonesia được FSC chứng thực, và một số trong các công ty giấy hoạt động ở nước này đã bị thu hồi giấy chứng nhận.
Năm 2007, hội đồng đã loại Công ty Bột giấy và Giấy Á châu dưới áp lực của các tổ chức cáo buộc công ty này về việc phá rừng nhiệt đới ở quy mô lớn.
Nhóm bảo vệ môi sinh Greenpeace mới đây đã nhắm mục tiêu vào công ty một lần nữa vì cung cấp cho công ty Mattel các loại sợi thu hoạch được từ những khu rừng bị phá để sử dụng trong việc đóng gói các sản phẩm Barbie.
Năm ngoái, FSC cũng loại công ty giấy APRIL vì không giải quyết được các tranh chấp với các cộng đồng rừng ở địa phương.
Các vụ xung đột giữa các công ty lớn và các cộng đồng địa phương về quyền sở hữu đất rừng rất thường xảy ra. Giới chỉ trích lên án các kế hoạch nhằm cải thiện công tác quản lý rừng là làm ngơ trước tiếng nói của các cộng đồng địa phương và không chịu tìm hiểu các nhu cầu của họ.
Các thành viên FSC cho hay các chính phủ cũng đóng một vai trò trong lâm nghiệp bền vững và nhiều chính phủ hoan nghênh các biện pháp mà Indonesia đã thực hiện.
Trong các cuộc thương nghị quốc tế về biến đổi khí hậu năm 2009, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã đồng ý giảm thiểu lượng khí thải nhà kính của Indonesia, hiện đứng hàng thứ ba trên thế giới, bớt đi 20% trước năm 2020. Và hồi tháng 5 vừa qua, tổng thống Indonesia đã ký một quy định cấm các đồn điền bành trướng vào đất rừng hay đất sình lầy trong 2 năm.
Một trong các tổ chức quản lý rừng hàng đầu trên thế giới cho hay đang duyệt lại một chính sách có thể nới lỏng quy chế thành viên để thu nhận thêm các công ty vừa khai quang các khu rừng thiên nhiên. Quyết định gây tranh cãi này được sự ủng hộ của một số nhà hoạt động cho môi sinh vì cho đó là cần thiết để ngăn chặn việc phá rừng tại những nước như Indonesia.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1