Bà Widi Wiramotko là một người đang nóng giận. Người phụ nữ nhỏ nhắn có 3 đứa con này cầm trong tay một sấp hồ sơ thật dày và cho biết rằng trong đó là những bằng chứng cho thấy sự thối nát của trường học mà các con của bà đang học. Những giấy tờ này chứng tỏ nhà trường đòi phụ huynh phải trả tiền cho những dịch vụ mà nhà nước đã đài thọ.
Bà Widi nói rằng bà có được những giấy tờ này khi bà làm đại diện của phụ huynh học sinh trong một ủy ban của nhà trường. Ủy ban này không chịu tán thành ngân sách mà ban quản lý trường đề nghị vì họ nghi có những việc làm sai trái. Và kết quả là tất cả các phụ huynh đều bị loại ra khỏi ủy ban đó và đứa con trai của bà liên tục bị nhà trường làm khó dễ.
Bà Widi và mười mấy phụ huynh khác đã cùng nhau đưa vụ án tham nhũng này ra tòa, với sự giúp đỡ của Tổ chức Theo dõi Tham nhũng Indonesia, một tổ chức độc lập hàng đầu chuyên chống tham nhũng ở Indonesia, gọi tắt là ICW. Ông Ade Wirawan, một nhà nghiên cứu của ICW về nạn tham nhũng ở học đường, nhận định như sau về tệ nạn này:
"Ở Indonesia, rất khó tìm cho ra một trường học trong sạch, và rất dễ tìm được một trường thối nát. Có một vị hiệu trưởng mà tôi tiếp xúc nói rằng trên cả nước không có một trường nào không có tham nhũng."
Phúc trình mới đây của ông Ade về nạn tham nhũng ở học đường cho thấy nạn tham ô trong hệ thống giáo dục không chỉ giới hạn ở chỗ học sinh hối lộ cho thầy giáo để thi đậu mà còn vượt xa giới hạn này rất nhiều. Ông mô tả đây là một tệ nạn mang tính hệ thống:
"Tham ô diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Đối với các phụ huynh học sinh thì tham ô có nghĩa là bị tống tiền. Thí dụ như một phụ huynh nào đó không chịu nộp tiền thì con họ sẽ không nhận được chứng chỉ của nhà trường."
Ông Ade nói rằng tiền hối lộ được chia cho những người có quyền. Các giáo viên, giáo sư nhận được điều mà họ gọi là quà cáp để nhắc thi cho học sinh trong khi ban quản trị nhà trường đòi học sinh phải nộp lệ phí cho những dịch vụ vốn đã được Bộ Giáo dục chi trả.
Ngoài ra, các trường cũng có những cách để nâng khống chi phí ngõ hầu có thể móc thêm tiền của nhà nước. Ông Ade cho hay nhiều trường nâng khống gấp đôi hoặc gấp ba giá mua thiết bị và dịch vụ. Ông nói thêm rằng xét về một số mặt nào đó thì hành vi tham ô như vậy là cần thiết để có thể sống còn trong một hệ thống mà mọi người đều phải trả những khoản tiền trái phép. Ông cho biết như sau:
"Chúng tôi cũng phát giác những trường hợp nhà trường là nạn nhân của những hoạt động tống tiền của cơ quan hành chánh nhà nước. Đôi khi việc nộp tiền là tự nguyện, chẳng hạn họ phải nộp tiền để bảo đảm cho chiếc ghế của ông hiệu trưởng, để ông ấy không bị đổi đi xa. Nhưng đôi khi việc này trở thành một hành vi tống tiền, nhà trường không muốn trả nhưng bị ép buộc phải làm như vậy. Nếu nhà trường muốn có giấy phép để xây lớp học hay sửa sang lại lớp học, họ phải hối lộ. Đó chính là lý do tại sao hầu hết các trường học ở Indonesia đều ở trong tình trạng dột nát, hư hại."
Sau khi vụ khủng hoảng tài chánh Á châu năm 1998 làm cho kinh tế Indonesia bị suy sụp, các trường học đã đòi phụ huynh học sinh nộp nhiều loại lệ phí vì thiếu ngân sách. Đến năm 2005, chính phủ trung ương thực hiện một kế hoạch qui mô lớn có tên là Quỹ Hoạt động Học đường để bơm hàng tỉ đồng rúp cho các trường. Nỗ lực này trên thực tế đã tăng gấp đôi ngân sách giáo dục trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2006, đạt mức 14 tỉ đô la, tương đương với 16% ngân sách chính phủ.
Kế hoạch vừa kể là một trong những lý do chính giúp cho Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono tái đắc cử một cách vẻ vang vào năm 2009.
Tuy nhiên, các phụ huynh học sinh nói rằng tiền bạc vẫn không tới được các lớp học, bất chấp những mục tiêu cao quí mà chính phủ đã đề ra.
Bà Erifa, có ba đứa con đang đi học, cho biết bà bắt đầu nghi ngờ về nạn tham ô ở trường của con bà khi nhà trường đòi phụ huynh đóng lệ phí ghi danh -- trong khi tiền đó lẽ ra đã được chính quyền chi trả. Bà nói rằng viên hiệu trưởng đã không chịu trả lời khi bà nêu câu hỏi tại sao nhà trường lại cần tới khoản tiền đó.
Theo ước tính của ông Ade của tổ chức ICW, 40 đến 50% ngân sách giáo dục bị mất dạng trước khi tới được các em học sinh. Đó là một sự mất mác rất lớn cho đất nước. Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới nói rằng việc thiếu một lực lượng lao động được giáo dục tử tế tiếp tục là một chướng ngại lớn khiến cho Indonesia không có được tỉ lệ tăng trưởng kinh tế cao hơn.
Còn đối với những phụ huynh như ông Sulaeman, đây là một vấn đề đạo đức.
Ông Sulaeman nêu lên câu hỏi là nếu thầy giáo tham nhũng thì hành vi của ông thầy ảnh hưởng như thế nào tới 30 đứa học trò của mình. Và một hệ thống giáo dục như vậy sẽ đào tạo những công dân như thế nào?
Các nhà phân tích cho rằng chính phủ phải thực hiện những thay đổi sâu rộng trong hệ thống giáo dục ngõ hầu các bậc phụ huynh có thể từ chối không nộp những khoản lệ phí bất hợp pháp và các trường có thể nói “không” với những nhân viên hành chánh tham lam. Họ nói rằng nếu không có sự thay đổi như vậy thì những bài học cay đắng về nạn tham nhũng sẽ tiếp tục là một phần trong giáo trình không chính thức của nhà trường.
Người dân Indonesia bất mãn với nạn tham nhũng đến độ họ bắt đầu tự tìm cách giải quyết vấn đề. Trong một vụ được nhiều người chú ý, một tổ chức độc lập đã treo giải thưởng 17.000 đô la cho những ai cung cấp thông tin để bắt ông Muhammad Nazaruddin, là một chính khách nổi tiếng đã bỏ trốn khỏi nước sau khi bị tố cáo phạm tội tham nhũng. Nhiều người Indonesia nói rằng tham nhũng hiện nay là vấn đề số một của nước họ, tuy các nhà hoạt động chính trị không ngớt cam kết bài trừ tệ nạn này. Theo tường thuật của thông tín viên Solenn Honorine của đài VOA ở Jakarta, sự phô nhiễm với nạn tham nhũng bắt đầu rất sớm, ngay tại các trường học.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1