Đường dẫn truy cập

Hà Lan chính thức xin lỗi về vụ thảm sát người Indonesia


Đại sứ Hà Lan tại Indonesia, ông Tjeerd de Zwaan (phải) rải các cánh hoa lên những ngôi một trong nghĩa trang ở Rawgede, Indonesia trong buổi lễ tưởng niệm
Đại sứ Hà Lan tại Indonesia, ông Tjeerd de Zwaan (phải) rải các cánh hoa lên những ngôi một trong nghĩa trang ở Rawgede, Indonesia trong buổi lễ tưởng niệm

Hà Lan chính thức đưa ra lời xin lỗi đối với các gia đình nạn nhân bị giết hại trong vụ thảm sát năm 1947 do binh sĩ Hà Lan gây ra ở đảo Java của Indonesia. Các nhà hoạt động nói rằng hành động lịch sử này đặt ra một tiền lệ quan trọng, nhưng cũng làm nổi bật thái độ đạo đức giả của chính phủ Indonesia trong viêc giải quyết các vụ vi phạm nhân quyền trong nước.

Đại sứ Hà Lan tại Indonesia, Tjeerd de Zwan, đã đưa ra lời xin lỗi chính thức ngày hôm nay tại làng Rawagede, nơi binh sĩ Hà Lan đã bố ráp và hành quyết tới 430 người đàn ông hồi năm 1947, trong cuộc đấu tranh giành độc lập cam go của Indonesia.

Chính phủ Hà Lan chưa từng truy tố bất kỳ binh sĩ nào về vụ thảm sát này bất chấp một phúc trình của Liên Hiệp Quốc công bố ngay hồi năm 1948 trong đó lên án vụ tấn công là “cố ý và vô nhân đạo”.

Mặc dù chưa có cá nhân nào bị truy tố, một tòa án ở La Haye đã ra phán quyết hồi tháng 9 rằng chính phủ Hà Lan phải trả số tiền bồi thường trị giá 27.000 đôla cho 9 gia đình các nạn nhân.

Phán quyết quan trọng này và lời xin lỗi của đại sứ Hà Lan ngày hôm nay đánh dấu một bước đột phá trong việc Hà Lan nhận trách nhiệm về những tổn thất mà chính sách thuộc địa của họ gây ra.

Ông Haris Azhar, điều phối viên nhân quyền của tổ chức Kontras, nhấn mạnh tầm quan trọng của bước đột phá này, nhưng ông nói rằng điều này cũng cho thấy thái độ đạo đức giả của chính phủ Indonesia. Ông nói:

"Họ không muốn nói về nhân quyền cho dù ai là người gây ra hành động bạo lực hay vi phạm nhân quyền trong quá khứ. Vì nếu họ đề cập đến sự vi phạm của Hà Lan trong quá khứ thì chính phủ Indonesia cũng sẽ phải thừa nhận những gì họ đã làm trong quá khứ."

Indonesia đã giành độc lập vào năm 1949 và ông Azhar cho rằng sự ngần ngại của chính phủ Indonesia trong việc theo đuổi vụ việc là lý do tại sao phải mất 64 năm mới đạt được công lý.

Ông Azhar nói rằng nếu đương kim tổng thống Indonesia, ông Susilo Bambang Yudhoyono, còn có tên tắt là SBY, hành động tích cực hơn về các vụ vi phạm nhân quyền thì ông ấy sẽ đánh thức “một con hổ đang ngủ” trong chính trường Indonesia vì có quá nhiều trường hợp có liên quan đến

Ông Azhar nói: “Tôi nghĩ SBY hoàn toàn hiểu điều đó. Ông ấy không muốn đối mặt với những tướng lĩnh tàn bạo vì những vị tướng lĩnh tàn bạo này vẫn có người phục tùng, họ vẫn có tiền, họ vẫn có hoạt động kinh doanh, họ vẫn có các mạng lưới và một số họ có cả đảng phái chính trị, vì vậy một khi SBY động đến những người này thì họ sẽ phản công thông qua quốc hội.”

Hai cựu tướng lĩnh quân đội đã bị buộc tội vi phạm nhân quyền ở Đông Timor và trong thời gian chế độ độc tài của ông Suharto sụp đổ hồi năm 1998 đều đang lãnh đạo các đảng phái riêng của họ.

Chính phủ Indonesia cũng đã tránh một vụ xử có liên hệ tới vụ tra tấn và giết hại khoảng 500.000 người cộng sản vào năm 1965 và các cáo giác vi phạm nhân quyền ở Aceh và tỉnh Papua bất ổn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG