Năm ngoái, một số vụ cháy lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử đã tàn phá Indonesia, tung khói mù dầy đặc trong khu vực và đưa một lượng khổng lồ khí CO2 vào không khí. Thủ phạm là ngành công nghiệp dầu cọ. Mùa cháy rừng lại sắp bắt đầu, cùng với hiện tượng El Nino làm trầm trọng thêm, các nỗ lực cải cách ngành sản xuất dầu cọ sẽ sớm được thử thách.
Loại quả nhiều sắc màu mà người dân đang thu hoạch trên đảo Sumatra của Indonesia trông xinh đấy, nhưng chúng là một nguyên nhân góp phần vào các thảm họa môi trường ở địa phương lẫn toàn cầu.
Nhu cầu trên thế giới về dầu cọ ngày càng cao để dùng trong các món ăn vặt và trong ngành mỹ phẩm đã làm cho loại quả hái ra tiền này có mặt khắp mọi nơi trên hàng triệu hecta đất trồng trọt tại Indonesia.
Hầu hết những đồn điền dầu cọ trước đây là những bãi than bùn sau đó được làm cho khô đi để dùng cho nông nghiệp bằng những phương cách vừa nhanh vừa rẻ càng tốt: tháo nước và đốt rẫy bất hợp pháp.
Phương pháp này đã gây nên những đám cháy tệ hại nhất trong lịch sử, tạo nên những đám khói mù khổng lồ lan sang các nước láng giềng và có thể tạo ra lượng khí CO2 nhiều hơn toàn thể nước Mỹ phát thải ra.
Bà Woro Supartimah, điều phối viên của mạng lưới cứu rừng Riau nói:
“Những vùng đất than bùn bị khô hóa trở thành chất xúc tác cho bất kỳ nguyên nhân nào gây ra đám cháy…”
Bà Woro Supartina điều hành Mạng lưới Cứu rừng Riau, một tổ chức phi chính phủ theo dõi các đám cháy và nạn phá rừng bằng các dữ liệu vệ tinh và qua các quan sát viên của cộng đồng. Bà nói tiếp:
“Tỉnh Riau đã mất khoảng 5 triệu hecta rừng nguyên sinh. Hiện nay chúng tôi chỉ còn 1,6 triệu hecta rừng nguyên sinh so với 7 triệu hecta hồi cuối những năm 1980.”
Tuy nhiên lần đầu tiên công tác tuần tra đồn điền đã ngăn chặn được các đám cháy, theo lời ông Edwar Sanger, người đứng đầu Cơ quan Quản lý thảm họa Quốc gia tại tỉnh Riau. Ông cho biết:
“Cho dù năm nay có hiệu ứng El Nino đi chăng nữa, chúng tôi đã cam kết là những gì đã xảy ra trong quá khứ sẽ không tái diễn.”
Ông Pak Dahlan đang làm việc với chính phủ để giảm bớt ảnh hưởng môi trường từ đồn điền rộng 1.000 hecta tại làng Dosan.
Bằng cách chặn các con kênh từng được dùng để tháo nước từ các đồn điền, người ta có thể giúp cho cây cọ phát triển, nhưng giữ được đủ độ ẩm trong đất để giảm thiểu nguy cơ hỏa hoạn.
Ông Par Dahland, trưởng làng Dosan nói:
“Trong lúc chúng tôi trồng đồn điền cây cọ dầu trong làng này, đây vẫn còn là phương cách mới lạ. Chúng tôi không biết ảnh hưởng rộng lớn như thế nào, giờ đây chúng tôi mới nhận ra tầm ảnh hưởng của nó.”
Cộng đồng này có đội chữa cháy riêng. Và vì thế hệ mai sau, họ dùng cành cây cọ ủ phân để làm cho đất màu mỡ trở lại.
Những cộng đồng khác tại Riau cũng thử nghiệm những chiến lược tương tự và thậm chí còn đốn bớt cây cọ dầu trong đồn điền để trồng các mùa vụ đa dạng hơn.
Những nỗ lực này sẽ sớm được thử nghiệm một khi mùa cháy rừng tệ hại nhất sắp bắt đầu.