Đường dẫn truy cập

Căng thẳng tôn giáo gia tăng tại Indonesia


Người Cơ Ðốc giáo tham dự thánh lễ Giáng sinh tại sân vận động Gelora Bung Karno ở Jakarta, ngày 11/12/2010
Người Cơ Ðốc giáo tham dự thánh lễ Giáng sinh tại sân vận động Gelora Bung Karno ở Jakarta, ngày 11/12/2010

Một nhóm các tín đồ Cơ đốc giáo ở Indonesia nhận được ít quan tâm của chính phủ về yêu cầu bảo vệ họ sau khi hàng trăm tín đồ Hồi giáo theo đường lối cứng rắn buộc họ phải ra khỏi nhà ở ngoại ô Jakarta. Vụ việc đã khiến người ta chú ý tới lòng khoan dung tôn giáo tại một nước mà Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama gần đây ca ngợi là một xã hội đa dạng về tôn giáo. Thông tín viên VOA Sara Schonhardt có bài tường thuật từ Jakarta sau đây.

Các thành viên của Giáo hội Tin lành Batak phải tìm một nơi thờ phượng mới, sau khi những người biểu tình là các tín đồ Hồi giáo theo đường lối cứng rắn buộc họ phải rời khỏi 7 địa điểm trong số các nơi họ từng cử hành các buổi thánh lễ. Những người biểu tình cho rằng các tín đồ Cơ đốc giáo tham gia hoạt động tôn giáo bất hợp pháp.

Những người biểu tình hôm Chủ Nhật bao gồm các ủng hộ viên của Mặt trận Bảo vệ Hồi giáo, một nhóm Hồi giáo quá khích được nhiều người biết tới với hình thức phản đối theo kiểu đối đầu, cũng như các thành viên của một số phong trào Hồi giáo khác.

Theo luật Indonesia, nhà dân không thể được sử dụng để làm nơi cử hành lễ cầu nguyện tôn giáo. Tuy nhiên, các tín đồ Tin lành cho rằng họ phải sử dụng nhà để làm nơi thờ tự vì chính phủ không cho phép họ xây dựng nhà thờ.

Một nghị định được bộ trưởng ký hồi năm 2006 yêu cầu các nhóm tôn giáo với hơn 90 thành viên trở lên phải nhận được sự ủng hộ của 60 người dân địa phương trước khi họ có thể xây một nơi thờ tự. Họ cũng cần phải nhận được sự chấp thuận của đa số thành viên trong một ủy ban gồm các nhà lãnh đạo tôn giáo cấp quận và tỉnh.

Các tổ chức nhân quyền cho rằng qui định này đã được sử dụng như là một cái cớ cho các cuộc tấn công gia tăng khắp Jakarta trong những tháng gần đây. Một số nhà lập pháp yêu cầu ban hành một điều luật mới để bảo đảm sự hòa hợp tôn giáo.

Ông Andreas Harsono thuộc tổ chức Human Rights Watch cho rằng điều luật này quá khắc khe.

Ông Andreas cho biết: "Nghị định về nơi cầu nguyện về cơ bản chỉ được thi hành khi người ta định xây nhà thờ, nhưng không được thi hành khi người ta muốn xây đền thờ. Nên xét về một khía cạnh nào đó, nghị định này phân biệt đối xử đối với những thành phần thiểu số tại Indonesia."

Tổ chức Human Rights Watch đã kêu gọi chính phủ Indonesia tuân thủ cam kết trong hiến pháp về tự do tôn giáo bằng cách duyệt xét lại nghị định về nơi thờ tự.

Nhưng các giới chức của Bộ Tôn giáo cho rằng nghị định này là cần thiết để ngăn chặn xung đột giáo phái trong các cộng đồng có cư dân thuộc nhiều tôn giáo khác nhau.

Họ cũng nói rằng các vấn đề nội bộ, như việc xây dựng một nơi cầu nguyện hay xác định xem điều gì là cấm kỵ theo đạo Hồi, vượt quá thẩm quyền của họ.

Ông Nasaruddin Umar là người đứng đầu cơ quan hướng dẫn thi hành đạo Hồi tại Bộ Tôn giáo.

Ông Umar cho biết chính phủ chỉ quản lý các quan hệ giữa các tôn giáo khác nhau để không dẫn tới xung đột, và chính quyền không can thiệp vào vấn đề tín ngưỡng hay công việc của các tôn giáo. Indonesia là nước có số tín đồ Hồi giáo lớn nhất thế giới, nhưng chính phủ lại theo đường lối thế tục, và công nhận quyền hành đạo của một trong sáu tôn giáo được nhà nước công nhận, trong đó có Cơ đốc giáo.

Các tổ chức nhân quyền đã lên tiếng chỉ trích Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã không làm gì để chống lại những phần tử cực đoan gây bạo lực. Họ cho rằng việc đốt phá cũng như buộc các nhà thờ đóng cửa cho thấy tình trạng không khoan dung về tôn giáo đang ngày càng gia tăng tại nước này.

Các tổ chức thúc đẩy đa dạng tôn giáo cho rằng chính phủ có trách nhiệm phải bảo vệ quyền thờ tự của người dân bằng cách trấn áp những ai vi phạm hiến pháp, ngay cả trong trường hợp sự vi phạm không dẫn tới xung đột.

Các cuộc đối đầu giữa các tín đồ Tin lành và Hồi giáo tại các khu vực ngoại ô của Jakarta đã gia tăng trong những tháng gần đây. Cho dù vụ việc xảy ra hôm Chủ Nhật không dẫn tới bạo lực, một số các nhân vật lãnh đạo hội thánh đã bị đâm và bị đánh trong một lần đụng độ ở Bekasi hồi tháng Chín.

Ông Bonar Tigor Naipospos, người đứng đầu Viện Đa dạng Tôn giáo Setara, cho rằng xã hội Indonesia vốn rất bao dung và không quá khích về tôn giáo. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò ý kiến về quan hệ giữa các nhóm tôn giáo khác nhau cho thấy việc các nhóm thiểu số khác nhau sống chung với nhau khắp Jakarta đã gây ra căng thẳng mới.

Ông Bonar nói: "Đây là một hiện tượng tại đô thị, đặc biệt là tại những nơi có các tổ chức quá khích. Thế nên, các cuộc thăm dò ý kiến do chúng tôi tiến hành cho thấy, phần lớn các mối đe dọa tự do tôn giáo là ở Jakarta và Tây Java, nơi các tổ chức cực đoan hoạt động mạnh."

Một nhóm các phần tử cực đoan được biết tới với tên gọi Jemaah Islamiya đã đứng ra nhận trách nhiệm về một loạt các vụ đánh bom tại nước này trong thập kỷ qua, làm hơn 220 người thiệt mạng. Họ chủ yếu nhắm mục tiêu vào các quán bar, nhà hàng và khách sạn có nhiều người nước ngoài lui tới. Chính phủ Indonesia đã bắt giữ, xét xử và kết án một số các thành viên JI, và nhóm này nhận được ít sự ủng hộ của công chúng.

Tuy nhiên, gần tới lễ Giáng sinh, chính phủ đã yêu cầu lực lượng cảnh sát cảnh giác trước các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào các tín đồ Cơ đốc giáo. Năm 2000, những kẻ khủng bố đã tấn công một loạt các nhà thờ ở Jakarta vào Đêm Giáng sinh. Và trong các cuộc tấn công gần đây, cảnh sát đã phát hiện một số quả bom chưa nổ bên ngoài các nhà thờ ở tỉnh Trung Java.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG