Nhóm Hồi giáo Hizbut-Tahrir đã phát tán một băng video trên trang mạng của họ ở Indonesia, khởi sự bằng một đoạn nhạc chen lẫn với tiếng bom rơi đạn nổ, và những hình ảnh sống động của Hoa kỳ trong các cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan, sau đó đoạn video trình chiếu một đoạn trong bài diễn văn của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama trong thời gian vận động tranh cử.
Tổng thống Obama nói: “Những ai đe dọa đến Israel là đe dọa đến chúng ta. Israel luôn luôn phải đối mặt với những mối đe dọa tại tuyến đầu.Tôi sẽ mang đến Tòa Bạch Ốc một sự cam kết vững chắc, không lay chuyển, đối với nền an ninh của Israel.”
Vì thế không mấy ai ngạc nhiên khi Phát ngôn viên của nhóm Hizbut-Tahrir tại Indonesia, ông Ismail Yusanto, nói rằng tổ chức của ông tin rằng Hoa kỳ không phải là một nước bạn của thế giới Hồi giáo. Ông Yusanto nói:
“Lý do là vì theo chúng tôi, ông Obama là Tổng Thống Mỹ, một quốc gia mà cho tới bây giờ vẫn còn đàn áp và muốn biến các nước Hồi giáo như Iraq và Afghanistan thành thuộc địa.”
Điều có thể gây ngạc nhiên là cùng lúc, tổ chức của ông Yusanto cổ vũ các quan hệ chính trị gần gũi hơn với Trung Quốc, một quốc gia nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản vẫn chính thức tuyên bố theo chủ nghĩa vô thần.
Ông Yusanto còn nói Trung Quốc vẫn đàn áp thiểu số Hồi giáo trong nước họ, tuy nhiên theo ông thì một liên minh chiến lược với Trung Quốc có thể được dùng làm lực đối trọng với ảnh hưởng của Hoa kỳ tại Châu Á. Ông giải thích:
“Chúng tôi coi Trung Quốc như một cường quốc chủ yếu khác, ngoài Hoa kỳ. Ai cũng biết Trung Quốc đang tiếp tục củng cố quyền lực kinh tế cũng như quân sự, và như thế có thể đưa đến điều mà chúng ta gọi là tình trạng cân bằng quyền lực trên thế giới.”
Ông Juwono Sudarsono, cựu Bộ trưởng Quốc phòng và là giáo sư môn quan hệ quốc tế tại Đại học Indonesia. Ông nói trong khi nhóm Hizbut-Tahrir là một tổ chức nhỏ không có bao nhiêu thế lực chính trị, thông điệp mà nhóm này đưa ra đã gây tiếng vang ngày một nhiều trong số các đoàn thể tại Indonesia. Giáo sư Sudarsono nhận định:
“Theo tôi, khuynh hướng này cũng tương tự như một phong trào liên Châu Á chống lại sự thống trị của Tây phương. Không những phong trào này được sự ủng hộ trong nội bộ các nhóm Hồi giáo tại đây, mà còn được sự ủng hộ của một số cá nhân phi tôn giáo có tinh thần quốc gia”.
Ông Din Syamsuddin là người đứng đầu nhóm Mohamadiyah, tổ chức Hồi giáo lớn thứ nhì Indonesia. Ông nói nhiều tín đồ Hồi giáo đã cảm thấy phấn khích về bài diễn văn mà Tổng Thống Obama đọc tại Cairo, trong bài diễn văn này, nhà lãnh đạo Mỹ kêu gọi nên có một quan hệ mới với thế giới Hồi giáo dựa trên các quyền lợi chung và sự tôn trọng lẫn nhau.
Tuy nhiên, trong khi ông Obama đang thương thuyết để mang lại hòa bình cho vùng Trung Đông và đã loan báo kế hoạch rút quân ra khỏi Iraq, ông Syamsuddin nhận định rằng đối với nhiều người, dường như hành động của Tổng Thống Obama không đi đôi với những lời hứa hẹn của ông. Ông Syamsuddin nói:
“Mặc dầu một số người trong chúng tôi hiểu được tình hình và thời biểu rút quân nhưng vẫn không có thay đổi nào đáng kể trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống Bush và chính phủ của Tổng Thống Obama.
Mặt khác Trung Quốc được coi như đóng vai trò xây dựng trong nền kinh tế Indonesia. Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế của Indonesia nói rằng, Trung Quốc đầu tư nhiều vào nước họ và rằng cho tới năm nay kim ngạch xuất khẩu của Indonesia sang Trung Quốc đã gia tăng 90%.
Thái độ tích cực ngày càng tăng đối với Trung Quốc là một thay đổi so với quá khứ. Vào thập niên 1960 nhiều người Indonesia coi Trung Quốc như một mối đe dọa vì họ trang bị khí giới cho quân Cộng Sản nổi dậy tại Indonesia.
Sắc tộc thiểu số người Hoa tại Indonesia rất có thế lực về phương diện kinh tế cũng bị dân chúng Indonesia nhìn với con mắt bất bình. Dưới thời cai trị của nhà độc tài Suharto ở Indonesia, thì việc công khai trưng bày Hán tự hoặc văn hóa Trung Quốc là chuyện bất hợp pháp.
Giờ đây thì thành kiến chống Trung Quốc đã tiêu tan phần lớn và ông Sudarsono nói rằng, có một nhận thức chung là thế lực của Trung Quốc đang gia tăng. Ông nhận định:
“Tôi nghĩ rằng, dù không muốn thì cũng phải chấp nhận sự kiện là sức mạnh kinh tế của Trung Quốc gia tăng có thể chuyển thành một thế lực chính trị trong những năm trước mắt, nhưng vào lúc này thì chưa phải lo nhiều về vấn đề này.”
Tuy nhiên, ông nói rằng, tầm cỡ kinh tế của Trung Quốc không phải là sức mạnh. Mặc dầu Trung Quốc đã gia tăng khả năng quân sự, Hạm Đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ trong lịch sử đã bảo vệ các tuyến đường biển cho hoạt động thương mại và đã ngăn cản Trung Quốc hay bất cứ cường quốc nào khác thực hiện ý muốn chính trị của họ qua sức mạnh quân sự.
Ông Syamsuddin thuộc tổ chức Hồi Giáo Mohamadiyah nói rằng, về phương diện chính trị, Indonesia đã phát triển vượt qua mô thức chính quyền độc tài của Trung Quốc. Ông muốn được thấy nước ông quảng bá nhưng không áp đặt dân chủ ở nước ngoài cùng với Hoa Kỳ. Ông nói tiếp:
“Chúng tôi hy vọng Indonesia sẽ trở thành một khuôn mẫu dân chủ trong thế giới Hồi Giáo. Hơn nữa tôi cũng nghĩ rằng, điều Hoa Kỳ và Indonesia có thể cùng nhau thực hiện là củng cố dân chủ, cả trong thế giới Hồi Giáo nhưng không bằng cách áp đặt dân chủ mà không đếm xỉa tới điều kiện văn hóa và xã hội của một quốc gia.”
Ông Syamsuddin nói rằng, mặc dầu quan hệ kinh tế đang gia tăng với Trung Quốc, Indonesia phải tiếp tục giao tiếp, bàn thảo với Hoa Kỳ để san bằng những khác biệt chính trị và hợp tác với Hoa Kỳ trong những vấn đề mà hai nước cùng có chung.
Một số tổ chức Hồi giáo Indonesia cổ vũ cho quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, để làm lực đối trọng với ảnh hưởng của Hoa kỳ tại Châu Á. Các nhà phân tích chính trị và giới lãnh đạo tôn giáo Indonesia nói rằng các nhóm này phản ánh lập trường chống đối chính sách đối ngoại Mỹ tại Trung Đông và thừa nhận Trung Quốc như một cường quốc đang lên ở Châu Á.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1