Đường dẫn truy cập

Các tổ chức nhân quyền muốn Indonesia làm áp lực với Miến Điện


Tại một cuộc họp của các nhà lãnh đạo Đông nam châu Á, các tổ chức nhân quyền đang kêu gọi Indonesia hối thúc Miến Điện bảo đảm rằng cuộc bầu cử sắp tới sẽ tự do và công bằng. Từ Jakarta, thông tín viên VOA Brian Padden gửi về bài tường thuật sau đây.

Tổng thống Indonesia, ông Susilo Bambang Yudhoyono, từng tuyên bố Indonesia sẽ quảng bá cho dân chủ. Và các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền ở châu Á muốn ông thực hiện lời cam kết đó bằng cách hối thúc chính phủ quân nhân Miến Điện tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng.

Hôm nay và ngày mai, tại Việt Nam, ông Yudhoyono họp với các nhà lãnh đạo Miến Điện và các thành viên khác của Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á.

Bà Elaine Pearson, thuộc tổ chức Human Rights Watch, đã viết một bức thư ngỏ gửi cho ngoại trưởng Indonesia kêu gọi ông làm áp lực đòi cải cách tại Miến Điện. Bà nói Indonesia có cả kinh nghiệm lẫn uy tín để gây ảnh hưởng đối với giới lãnh đạo Miến Điện.

Bà Pearson nói: “Bởi lẽ Indonesia là thành viên hàng đầu của ASEAN và đã từng là một tiếng nói mạnh mẽ và khả kính về tình hình nhân quyền ở Miến Điện, và bởi vì lịch sử của chính Indonesia cũng như sự chuyển tiếp từ một chính phủ do quân đội lãnh đạo qua một thể chế dân chủ. Điều này thực sự đặt Indonesia vào một tư thế rất vững chắc để được các tướng lãnh Miến Điện lắng nghe.”

Miến Điện đã được đặt dưới quyền cai trị của quân đội từ gần 6 thập niên qua. Chính phủ dự định sẽ mở các cuộc bầu cử trong năm nay nhưng chưa xác định ngày tháng.

Lần chót giới lãnh đạo nước này đồng ý tổ chức bầu cử là vào năm 1990. Đảng đối lập Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ NLD đã thắng, nhưng quân đội không chịu thừa nhận kết quả cuộc bầu cử.

NLD đang tẩy chay cuộc bầu cử sắp tới vì những luật lệ bầu cử mà họ cho là hạn chế và thiếu dân chủ. Các luật này cấm các đảng có đăng ký được có các thành viên là tù nhân chính trị.

Lãnh tụ NLD, bà Aung San Suu Kyi, đã bị quản thúc phần lớn thời gian trong 20 năm qua, cũng như nhiều giới chức khác trong đảng.

Các thành viên ASEAN không nhất trí về cách thức đáp ứng với Miến Điện, là nước đang bị đặt dưới sự chế tài của Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ vì thành tích nhân quyền yếu kém. Chính sách của ASEAN là không can thiệp vào nội bộ các nước thành viên.

Tại hội nghị thượng đỉnh tuần này, bà Yuyun Wahyuningrum, thuộc tổ chức cứu trợ Oxfam, nói rằng cộng đồng an ninh chính trị lần đầu tiên sẽ thảo luận các biện pháp trừng phạt có thể áp dụng đối với các thành viên vi phạm hiến chương nhân quyền của ASEAN.

Nhưng bà nói rằng bởi vì ASEAN hoạt động theo sự đồng thuận, cho nên có ít khả năng họ sẽ tiến hành các biện pháp trừng phạt.

Bà Wahyuningrum cho biết: “Bằng cách này hay cách khác, họ sẽ bàn về các biện pháp chế tài, nhưng tôi không chắc chắn về kết quả bởi vì một trong các nguyên tắc của ASEAN là đối xử với nhau như một gia đình và chung sống hài hòa.”

Tuy nhiên, bà tỏ ý hy vọng là với thời gian, sự tiếp xúc về ngoại giao và áp lực ngày càng đè nặng từ các nước láng giềng dân chủ như Indonesia có thể giúp Miến Điện thực hiện một sự chuyển tiếp ôn hòa qua thể chế dân chủ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG