Từ tất cả mọi miền trên thế giới, các thành viên quốc hội lưu vong Tây Tạng đã qui tụ tại Dharamsala, Ấn Độ, để khẩn cầu Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận vai trò kể trên.
Trong một cuộc họp tương tự hồi tháng 3, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nêu rõ ngài sẽ rời khỏi những trách vụ chính trị chính thức mà ngài đã làm tròn trong nửa thế kỷ, để nhường chỗ cho những giới chức được bầu ra theo đường lối dân chủ.
Các nhà làm luật Tây Tạng và các chức sắc Tây Tạng hy vọng có thể thuyết phục ngài nhận vai trò quốc trưởng nghi lễ, tương tự như vai trò của Nữ hoàng Anh.
Ông Kalsang Dolker, chủ tịch cộng đồng Tây Tạng lưu vong tại Ý, cho biết Đức Đạt Lai Lạt Ma đã dứt khoát chối từ lời khẩn cầu trên:
“Ngài nói ngài sẽ không bao giờ làm quốc trưởng. Ngài không chấp nhận đề xuất của chúng tôi.”
Vai trò cá nhân của Đức Đạt Lai Lạt Ma đối với cộng đồng lưu vong Tây Tạng vô cùng to lớn. Chuyến lưu vong của ngài từ Trung Quốc tới Dharamsala, Ấn Độ, vào năm 1956, đối với cộng đồng lưu vong Tây Tạng thực sự là một khởi điểm quan trọng, vì hàng chục ngàn dân Tây Tạng nối bước theo ngài.
Trong những thập niên sau đó, ngài không chỉ vạch ra đường hướng đấu tranh bất bạo động cho một đất nước Tây Tạng tự trị, mà còn phục vụ như người đứng đầu chính phủ lo cho hơn 130.000 người Tây Tạng tại Ấn Độ và trên khắp thế giới.
Ông Lobsang Sangay, một chuyên gia về luật xuất thân từ đại học Harvard, hồi đầu năm đã được chọn làm Thủ tướng chính quyền lưu vong Tây Tạng, nhưng không mấy ai tin rằng ông sớm có thể thay thế vai trò tăm tiếng của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Ông Tenzing Chonden, một thành viên của quốc hội lưu vong Tây Tạng đại diện Bắc Mỹ, cho biết Đức Đạt Lai Lạt Ma đã lý giải tại sao ngài từ chối vai trò quốc trưởng nghi lễ:
“Ngài cảm thấy rằng nhân dân Tây Tạng cần tự đảm nhiệm vai trò của mình qua các cấp lãnh đạo được tuyển chọn bằng đường lối dân chủ.”
Mặc dù nhiều người Tây Tạng hiểu được cách lý giải của vị lãnh đạo tinh thần của họ, nhưng theo ông Tenzing, thì họ vẫn tỏ ra thất vọng:
“Mọi người đều buồn. Vì lẽ sự tôn kính của chúng tôi dành cho ngài không chỉ như một lãnh đạo chính trị, mà còn là một vị lãnh đạo tinh thần nữa.”
Từ lâu Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tỏ ý muốn nhường lại các quyền chính trị của ngài cho các giới chức được bầu ra theo đường lối dân chủ. Một phần có thể là năm nay ngài đã 76 tuổi, và có thể không còn ở lại bên những tín đồ của mình lâu như họ mong mỏi.
Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh đạo tinh thần Tây Tạng đã kiên quyết từ chối vai trò quốc trưởng có tính cách nghi lễ tượng trưng trong chính quyền lưu vong Tây Tạng. Người Tây Tạng mong ngài nhận vai trò này sau khi ngài tuyên bố từ bỏ các nhiệm vụ chính trị.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1