Các nguồn tin chính phủ Ấn Độ nói trong tương lai gần, họ không có ý định thực hiện những cuộc tấn công giống như Mỹ, nhắm vào các phần tử khủng bố ẩn náu tại Pakistan.
Các giới chức nói thay vào đó, Ấn Độ phải tiếp tục giao tiếp với Pakistan trong một quan hệ phức tạp và nhiều tranh cãi như quan hệ giữa Pakistan với Hoa Kỳ.
Trong cuộc trao đổi với các nhà báo hôm thứ Tư, các giới chức nói rằng, một đường lối đối thoại “điềm tĩnh và hợp lý” với Pakistan sẽ là điểm đặc trưng trong chính sách ngoại giao mà Ấn Độ sẽ tiến hành.
Ông Maroof Raza là một nhà phân tích tại cơ quan Theo Dõi An Ninh Ấn Độ ở New Delhi. Ông đồng ý rằng chính phủ Ấn Độ bị bó buộc, trong một mức độ, phải tỏ ra tự kiềm chế:
“Một trong những lý do tại sao Hoa Kỳ có thể thực hiện cuộc hành quân này thành công như vậy ở Pakistan, và làm chuyện táo bạo và đầy kịch tính như vậy, là bởi vì Pakistan không ở sát nách Hoa Kỳ. Vì thế Hoa Kỳ không sợ bị một nước láng giềng có võ khí hạt nhân có thể phản ứng bất ngờ, ít nhất là bằng võ khí chiến thuật, nếu không phải là võ khí hạt nhân.”
Ông Raza nói ngoài ra, Ấn Độ không thể thụ động dung thứ cho các cuộc tấn công khủng bố được Pakistan hậu thuẫn trong nhiều thập niên. Ông nói vụ hạ sát bin Laden là một bài học cho Ấn Độ rằng họ phải phát triển một lực lượng đặc biệt bí mật và đầy đủ khả năng:
“Thực hiện thêm những cuộc xâm nhập lãnh thổ trên bộ, tấn công một mục tiêu, hay ngay cả thực hiện các cuộc xâm nhập lãnh thổ Pakistan để ám sát những kẻ đã hậu thuẫn cho các vụ đánh bom tại Ấn Độ, và những kẻ tiếp tục được cư ngụ bên trong các biệt thự lớn.”
Ông Ajai Sahni, Giám đốc điều hành Viện Quản Lý Xung Đột, đồng ý rằng Ấn Độ cần có nhiều sáng tạo hơn trong việc áp đặt cái giá mà Pakistan phải trả cho việc cung cấp nơi ẩn náu cho các phần tử khủng bố:
“Tôi không nói đến ám sát. Tôi không nói đến các cuộc tấn công chống khủng bố. Nhưng tôi nói đến những chuyện sẽ làm cho người thực hiện các quyết định này cảm thấy một hậu quả rất nghiêm trọng.”
Cả ông Raza lẫn ông Sahni đều nêu lên một điểm đặc biệt là cuộc đột kích hạ sát Osama bin Laden là đỉnh điểm trong nỗ lực của hai vị tổng thống Hoa Kỳ, thuộc hai đảng khác nhau. Trái lại tại Ấn Độ, mỗi lần có thay đổi chính phủ người ta lại đưa là một chiến lược mới, do đó nỗ lực này chẳng đi đến đâu, nếu không muốn nói là phản tác dụng.
Ấn Độ nói rằng cuộc đột kích táo bạo của Hoa Kỳ hạ sát Osama bin Laden là chuyện mà họ không có ý định bắt chước trong tương lai gần.