Hôm nay, Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định rằng Thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc sẽ đến New Delhi thực hiện chuyến công du từ ngày 15 đến ngày 17 tháng này. 5 ngày trước khi ông Ôn Gia Bảo đến Ấn Độ, Ủy ban Nobel dự định sẽ tổ chức lễ trao giải Nobel hòa bình cho ông Lưu Hiểu Ba, một nhà tranh đấu cho dân chủ đang thụ án tù về tội mà Bắc Kinh gọi là “lật đổ chính quyền.”
18 quốc gia đã cùng với Trung Quốc tẩy chay buổi lễ này, trong đó có đối thủ chính cuả Ấn Độ là Pakistan, một đồng minh của Trung Quốc. Bắc Kinh đã cảnh báo sẽ có những “hậu quả” kinh tế cho những nước gửi đại diện đến dự buổi lễ.
Việc nhà lãnh đạo Trung Quốc sắp đến Ấn Độ gây lúng túng cho các giới chức Ấn Độ. Họ cho biết còn đang cứu xét vấn đề liệu có dự buổi lễ trao giải Nobel hay không. Một số người lo ngại rằng gây bực bội cho Bắc Kinh ngay gần kề một cuộc họp thượng đỉnh có thể làm suy yếu khả năng đạt được tiến bộ trong các vấn đề gay go như vụ tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Ấn Độ cũng đang tìm cách trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc – một điều mà Trung Quốc – vốn đã là một thành viên thường trực, có thể ở vị thế ngăn chặn nếu họ muốn làm như vậy.
Ông Bhaskar Roy là một nhà khảo cứu về Trung Quốc thuộc nhóm Phân tích Nam Á. Ông tin rằng khả năng Ấn Độ tẩy chay buổi lễ trao giải Nobel nằm vào khoảng 50 trên 50 dựa vào sự kiện New Delhi muốn có một cuộc họp thượng đỉnh suôn sẻ với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cho rằng Ấn Độ có nghĩa vụ đạo đức phải gửi một đại diện đi dự lễ.
Ông Roy nói: “Đã có những người Ấn Độ được trao giải Nobel hoà bình, và sẽ là điều không phải nếu Ấn Độ bị áp lực mà không tham dự lễ trao giải lần này.”
Ông Roy và các chuyên gia phân tích khác nhìn thấy những ý nghĩa sách lược quan trọng hơn trong việc tránh dự lễ trao giải.
B.Raman, một cựu bộ trưởng nội các Ấn Độ, nói rằng không dự lễ sẽ gửi đi một tín hiệu sai lạc về Ấn Độ.
Ông Raman cho biết: “Chúng ta sẽ chứng tỏ là một nước yếu ớt, khuất phục dưới áp lực của Trung Quốc. Và đó là một hình ảnh ta không nên phóng đi.”
Theo ông Raman, tỏ ra yếu ớt lúc này sẽ chỉ khích lệ thêm những mưu toan đe dọa của Trung Quốc về sau này. Ông nói, sự suy xét đó còn quan trọng về lâu về dài hơn so với việc bảo toàn hình ảnh của Ấn Độ trên toàn cầu như một nước ủng hộ dân chủ.
Ông Raman nói tiếp: “Khía cạnh đạo đức là điều mà mọi người có xu hướng quên đi lâu nay. Còn khía cạnh sách lược thì mọi người lâu nay vẫn nhớ tới.”
Ấn Độ chưa hề bỏ qua một buổi lễ trao giải Nobel hòa bình nào trong những năm vừa qua.
Ấn Độ đã chính thức loan báo ngày tháng chuyến viếng thăm đã định của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Nhưng New Delhi vẫn từ chối không cho biết liệu có gửi người đi dự lễ trao giải Nobel Hoà bình tại Oslo vinh danh một nhân vật phản kháng của Trung Quốc hay không. Từ New Delhi, thông tín viên VOA Kurt Achin tường trình rằng thời điểm của hai diễn biến đang gây khó khăn.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1