Đường dẫn truy cập

Ấn Độ thành lập trung tâm nghiên cứu để thiết kế tầu chiến


Bộ trưởng Quốc phòng A.K.Antony đã đặt viên đá đầu tiên xây Trung tâm Nghiên cứu Hải quân mới
Bộ trưởng Quốc phòng A.K.Antony đã đặt viên đá đầu tiên xây Trung tâm Nghiên cứu Hải quân mới

Ấn Độ sắp thành lập một trung tâm nghiên cứu hải quân để thiết kế tầu chiến của hải quân của họ. Ấn Độ đang tăng cường hải quân vào lúc tìm cách đẩy mạnh ảnh hưởng trong vùng Ấn Độ Dương, và chống lại điều Ấn Độ coi như sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Trung tâm nghiên cứu hải quân mới này đang được xây dựng ở bang Kerala miền nam với tổn phí ước tính khoảng 133 triệu đôla.

Trung tâm mà Bộ trưởng Quốc phòng A.K.Antony đã đặt viên đá đầu tiên, sẽ hoạt động trong 2 năm nữa.

Ông Rahul Bedi, làm việc cho tuần báo Quốc phòng Jane's ở New Delhi, cho hay cơ sở này sẽ giảm bớt sự lệ thuộc của Ấn Độ vào việc nhập khẩu các thiết bị:

“Hiện thời, Ấn Độ đang buộc phải sử dụng rất nhiều dịch vụ hợp đồng ở nước ngoài cho các nhu cầu hải quân, phần lớn là ở Nga, và Ấn Độ hy vọng với việc thành lập cơ sở này, với sự gia tăng những xưởng đóng tầu trên khắp nước, thì sẽ tự túc hơn và có khả năng khai triển và thiết kế tầu chiến riêng cho mình.”

Trong một thông cáo, hải quân Ấn Độ nói trung tâm nghiên cứu mới sẽ tăng sức mạnh cho lực lượng hải quân, tuần duyên và các cơ quan an ninh hàng hải khác theo một đường lối xứng hợp với thế lực của Ấn Độ trong khu vực.

Ấn Độ đang chi ra hàng tỷ đôla để bành trướng và hiện đại hóa hải quân để tăng cường sự hiện diện tại Ấn Độ Dương, nơi Trung Quốc đã trải rộng ảnh hưởng qua việc hoặc tài trợ hoặc xây dựng các cảng thương mại ở Sri Lanka, Bangladesh và Miến Điện. Ấn Độ Dương là một tuyến hàng hải quan trọng nối liền châu Âu và Trung Đông.

Ông Bedi cho rằng Ấn Độ rất lo ngại về sự tiếp cận ngày càng tăng của Bắc Kinh trong vùng Ấn Độ Dương và Ấn Độ muốn xây dựng một hải quân hùng mạnh để bảo đảm tính ưu việt hàng hải của mình:

“Một trong các đối thủ chính trong vùng Ấn Độ Dương là hải quân Trung Quốc, hiện cũng đang bành trướng rất nhanh, bởi vì họ muốn chế ngự vùng Ấn Độ Dương, nơi thương mại thế giới qua lại, nhất là trong lãnh vực hydrocarbon, khí đốt và năng lượng. Có một cuộc chạy đua, và có ý muốn chống lại sự hiện diện của Trung Quốc.”

Các chuyên gia phân tích nhận thấy rằng cả hai nền kinh tế Á châu đang tăng trưởng này đều có một lợi ích sách lược trong vùng Ấn Độ Dương.

Trong thập niên sắp tới, Ấn Độ dự định thêm 50 tầu chiến mới vào đoàn tầu hiện hữu khoảng 136 chiếc. Số tầu mới sẽ bao gồm các hàng không mẫu hạm và tầu khu trục tàng hình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG