Đường dẫn truy cập

Ấn Độ: Tranh chấp đất đai tăng cùng nhịp với phát triển kinh tế


Sự chống đối của nông dân Ấn Độ trước việc đất đai của họ bị thu mua để nới rộng các khu công nghiệp đã trở thành những thách thức mới cho quốc gia có đông dân này.

Các vụ biểu tình chống đối dữ dội ở bang miền Bắc Uttar Pradesh hồi đầu tháng này bắt nguồn từ chuyện nông dân muốn được bồi thường nhiều hơn cho đất đai của họ bị chính quyền giải tỏa để xây xa lộ đi tới Agra, điểm du lịch nổi tiếng có khu lâu đài Taj Mahal. Có 3 nông dân chết trong các cuộc biểu tình.

Vụ này chỉ là vụ mới nhất trong số các vụ chống đối đã nổ ra tại nhiều nơi ở Ấn Độ, do chính phủ muốn có đất để phục vụ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc các khu công nghiệp.

Đa số những đất cần giải tỏa đều có người ở, có ruộng nương đang canh tác tốt; vì thế, di dời các nông dân ra khỏi những nơi đó không phải là chuyện dễ dàng.

Nhiều nông dân kêu ca tiền bồi thường cho họ quá thấp, nhưng cái mà họ lo nhiều hơn là sau khi có tiền bồi thường, họ lấy gì mà sống, vì hầu như suốt cuộc đời họ đã gắn liền với ruộng đồng.

Chuyên viên Devinder Sharma nói rằng tình hình kinh tế mới không thể hứa hẹn mang lại công ăn việc làm cho các nông dân mất đất:

“Không một ngành nghề nào có thể thu hút hết số lượng nông dân và gia đình họ vào khoảng 600 triệu người. Chỉ cần kiếm được công ăn việc làm cho một phần mười số đó cũng đã là khá lắm rồi, nhưng tôi nghĩ chưa chắc gì đã làm được.”

Tuy nhiên, các công ty nói rằng kinh tế phát triển có thể tạo ra cả triệu công ăn việc làm để biến Ấn Độ thành một nước công nghiệp hóa.

Vì không kiếm đủ đất nên một số dự án bị chậm lại. Các dự án hầm mỏ và thép của các công ty lớn - như ArcelorMital, Posco, và Vedanta Resources - đang tạm ngừng để chờ giải quyết tranh chấp với người dân địa phương. Các kế hoạch xây thêm nhà máy điện, đường lộ và đặc khu kinh tế cũng đối mặt với vấn đề tương tự.

Kinh tế gia Anjan Roy thuộc liên đoàn các Phòng Thương mại Ấn Độ nói rằng vấn đề này phức tạp và cần những giải pháp mà các bên cùng có lợi:

“Chẳng hạn như giúp nông dân bị mất đất có việc làm, có phần hùn trong các ngành mới. Mọi người cần phải thử nhiều giải pháp, hoặc kết hợp nhiều giải pháp cùng lúc.”

Các chuyên viên về lương thực lo ngại lấy nhiều đất quá có thể phát sinh tình trạng thiếu lương thực trong một đất nước có quá đông dân và giá thực phẩm ngày càng tăng theo kiểu xoáy ốc.

Bộ trưởng Tài chính Pranab Mukherjee mới đây đã hứa hẹn trước Quốc hội:

“Chúng ta phải đảm bảo nông dân không bị xáo trộn cuộc sống, quyền lợi của họ không bị lâm nguy, bởi vì họ là những người đóng vai quan trọng cho vấn đề an ninh thực phẩm.”

Có hai dự luật đã được trình cho Quốc hội, một cái quy định nông dân phải được bồi thường thỏa đáng; một cái giúp nông dân định cư, dạy nghề, tìm việc cho nông dân. Nhưng cả hai vẫn còn nằm chờ tại Quốc hội.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG