Đường dẫn truy cập

Ấn Độ vấp phải trở ngại mới trong việc chi trả dầu thô nhập từ Iran


Ngoại trưởng Ấn Độ Nirupama Rao dự trù sẽ thảo luận vấn đề này với các giới chức Nhật trong khi đến thăm Tokyo
Ngoại trưởng Ấn Độ Nirupama Rao dự trù sẽ thảo luận vấn đề này với các giới chức Nhật trong khi đến thăm Tokyo

Ấn Độ đang vấp phải những khó khăn mới trong việc chi trả dầu thô nhập từ Iran. Các biện pháp chế tài quốc tế nhắm vào chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Iran là trung tâm điểm của các khó khăn trong việc chi trả của Ấn Độ.

Các vấn đề trong việc trả tiền cho Iran về các chuyến giao dầu thoạt đầu xuất hiện hồi tháng 12, khi Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đình chỉ việc chi trả qua một cơ quan tài chính trung gian trong khu vực mà Hoa Kỳ nói là được sử dụng để tránh né các biện pháp chế tài quốc tế.

Các công ty Ấn Độ thường nhận các cung ứng dầu đáng kể của Iran sau đó đã bắt đầu chuyển tiền cho Iran qua Ngân hàng Thương mại Iran ở châu Âu, có trụ sở ở Đức.

Nhưng sắp xếp này cũng bị loại bỏ trong tuần này vì Hoa Kỳ tin là ngân hàng vừa kể hỗ trợ các công ty Iran có liên hệ đến chương trình vũ khí hạt nhân mà nước này bị nghi ngờ.

Một lần nữa Ấn Độ lại đàm phán với Iran để tìm ra một cách chuyển tiền chi trả mà không vi phạm các chế tài quốc tế.

Một cựu cố vấn về năng lượng cho Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ, ông V. Raghuraman, nói rằng dầu thô nhập của Iran là hết sức cần thiết cho Ấn Độ.

Ông nói: “Từ Iran, chúng ta nhập khoảng 15% số dầu thô. Dứt khoát đây là một phần rất lớn trong khối lượng toàn bộ. Vì thế từ 3 cho đến 6 tháng sắp tới sẽ là thời gian rất gay go cho Ấn Độ.”

Các giới chức Ấn Độ cho biết họ có thể thăm dò một phương án chi trả bằng đồng yen qua một ngân hàng của Nhật Bản. Ngoại trưởng Ấn Độ Nirupama Rao, người đang đi thăm Tokyo, dự trù sẽ thảo luận vấn đề này với các giới chức Nhật.

Các chuyên gia về năng lượng còn nói rằng chung cuộc, Ấn Độ sẽ phải cứu xét các nguồn thay thế. Nhưng họ cho rằng điều đó có thể sẽ không dễ dàng vì tình hình chính trị rối loạn ở một số nước sản xuất dầu tại Trung Đông, như Libya.

Ông Raghuraman nói rồi ra Ấn Độ sẽ có thể phải chịu tốn kém hơn để nhập khẩu dầu từ các nước khác. Ông nói New Delhi, vốn có quan hệ tốt với Tehran, cũng muốn giữ lại một số hàng nhập từ Iran.

Ông nói tiếp: “Có thể chúng ta sẽ phải trả giá đắt cho việc đó, nhưng chắc chắn ta sẽ phải đa dạng hóa. Có lẽ chúng ta sẽ tìm cách tiếp cận dầu thô của Nga, cũng như của Ả Rập Sê-út, Nigeria, vân vân... Nhưng phải chờ một thời gian. Song tôi không nghĩ rằng có thể bỏ qua vấn đề Iran bởi vì chúng ta có các quan hệ kinh tế khác với Iran, và dứt khoát là ngoài các biện pháp chế tài, thì bất cứ cái gì có thể làm được thì chúng ta phải tận dụng.”

Iran là nước cung cấp dầu thô lớn hàng thứ nhì cho Ấn Độ, với số nhập trị giá 12 tỷ đôla. Tuần trước, chính phủ tại New Delhi cho biết đã tuân thủ các biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc qua quyết định cấm mọi vụ mua bán hàng hóa và kỹ thuật có thể giúp cho chương trình vũ khí hạt nhân của Tehran.

Mặc dầu có quan hệ thân thiện lâu đời với Iran, Ấn Độ đang tìm cách đạt một thế quân bình không gây trở ngại cho bang giao với Hoa Kỳ hoặc ảnh hưởng đến sự kiện Ấn Độ đang nổi lên thành một nước đóng vai trò lớn hơn trong bối cảnh toàn cầu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG