Bộ trưởng Công nghệ Thông tin Liên lạc của Ấn Độ, ông Kapil Sibal nói ông đã yêu cầu đại diện của Yahoo, Google, Facebook và Microsoft, trong 3 tháng qua, kiểm soát nội dung của những người sử dụng và gỡ bỏ những tài liệu xúc phạm người khác khỏi trang mạng của những công ty này.
Ông nói chính phủ muốn các công ty thực hiện một cơ chế giám sát để lọc bỏ những hình ảnh có thể làm tổn thương đến sự nhậy cảm về tôn giáo. Tuy nhiên Bộ trưởng Sibal nói ông không đạt được thành công nào và cáo buộc những công ty Internet không hợp tác.
Ông Sibal nói: “Chúng tôi phải chăm lo những vấn đề nhạy cảm của nhân dân chúng tôi. Chúng tôi phải bảo vệ nhạy cảm của họ; đặc tính văn hoá của chúng tôi rất quan trọng đối với chúng tôi và chúng tôi sẽ không cho phép những tình cảm tôn giáo của những bộ phận lớn trong cộng đồng bị tổn thương theo lối này, và chúng tôi sẽ không cho phép những phương tiện truyền thông nói là chúng tôi bó tay, chúng tôi không thể làm gì được về chuyện này.”
Bộ trưởng Sibal nói chính phủ sẽ đưa ra những chỉ dẫn và cơ chế để đảm bảo là “những tài liệu báng bổ” sẽ không được tải lên mạng. Tuy nhiên ông không đưa thêm chi tiết.
Ông Sibal nói yêu cầu của chính phủ không tương đương với kiểm duyệt, nhưng ông gọi đây là “tự-qui định.”
Bộ trưởng Sibal nói: “Chính phủ này không tin vào kiểm duyệt. Chính phủ không tin vào việc can thiệp trực tiếp hay gián tiếp tự do báo chí, và chúng tôi chứng tỏ điều này nhiều lần.”
Trong số những nội dung xúc phạm làm chính phủ tức giận là những bài được đăng tải nhục mạ lãnh tụ đảng Nghị Hội, bà Sonia Ghandhi và Thủ tướng Manmohan Singh.
Bộ trưởng Sibal cho các phóng viên thấy những bức hình được dàn dựng trong đó Thủ tướng và bà Sonia Gandhi cùng những con heo chạy rong trong thành phố Mecca thiêng liêng của Hồi Giáo.
Trong một tuyên bố Facebook mong muốn trang mạng xã hội là một nơi để mọi người có thể thảo luận một cách tự do, trong khi vẫn tôn trọng quyền và cảm nghĩ của những người khác. Facebook nói đã có chính sách và những phương cách trên mạng giúp mọi người phúc trình những nội dung quá đáng. Tuyên bố nói công ty sẽ tiếp tục đối thoại với nhà cầm quyền Ấn Độ về vấn đề này.
Ấn Độ có 100 triệu người sử dụng Internet. Đó mới chỉ là 10% dân số nhưng khối lượng nội dung do những người sử dụng tạo nên thật là khổng lồ. Truyền thông trong nước cho hay các công ty Internet cho biết là đáp ứng với những đòi hỏi của chính phủ không thể nào thực hiện được.
Yêu cầu của chính phủ qui định nội dung đưa đến những phản ứng mạnh mẽ tại Ấn Độ với những bình luận của các người viết blog và những người sử dụng Twitter chế nhạo ông Bộ trưởng và cho rằng ông không hiểu gì về Internet.
Năm ngoái Chính phủ cũng đã toan đàn áp bằng điện tử khi muốn tiếp cận những thông tin riêng tư qua máy điện thoại BlackBerry. Vào thời điểm đó chính phủ nói họ muốn làm như vậy vì những quan ngại về an ninh nhưng sau đó đã lui bước.
Ấn Độ: Công ty Internet phải kiểm soát, gỡ bỏ các nội dung xúc phạm
Ấn Độ cảnh báo các công ty Internet như là Facebook và Google là Ấn Độ sẽ hành động gỡ bỏ những nội dung xúc phạm trên trang mạng của những công ty này nếu họ không tự làm việc đó. Theo tường trình của thông tín viên Anjana Pasricha từ New Delhi, chính phủ Ấn Độ nói những đòi hỏi này không đưa đến mức kiểm duyệt.