Ông Abdul Wahab đang ngồi trong bếp tại căn nhà mới của ông. Vợ ông, bà Neeza,đang rót nước cam cho ông, cho hai con và vài người bạn giải khát.
Ông vừa từ Dubai trở về, và lần đầu tiên trong vòng 24 năm, chuyến về của ông không phải chỉ là một chuyến nghỉ phép ngắn ngủi vài tuần lễ. Ông và khoảng 1.700 công nhân bến tầu tại cảng Dubai vừa bị thải việc. Họ không hề được báo trước, không có một cơ may để tìm kiếm một việc làm khác thay thế. Chuyện xảy ra đột ngột chỉ nội trong một ngày.
Ông Wahab cho biết vào ngày hôm đó, sau khi vừa tan sở, quản lý đến đưa giấy cho nghỉ việc. Chuyện xảy ra thình lình khiến ông không biết nghĩ gì. Binh sĩ vây quanh khu trại của các công nhân cư ngụ. Họ chỉ có một cách duy nhất là quay trở về nước.
Nhưng trở về Ấn Độ là một kinh nghiệm vui buồn lẫn lộn cho ông Abdul Wahab. Ông cho biết trước mắt ông, cũng như bao nhiêu người khác từ Dubai trở về, là những chọn lựa rất khó khăn. Ông đang tính tới chuyện bán căn nhà mới để mua một căn nhỏ hơn, dùng tiền lời kiếm được để trả tiền học tư cho hai con. Thế nhưng bà Neeza, vợ ông, lại quá đỗi vui mừng vì bây giờ ông có mặt ở nhà.
Bà nói bà hy vọng là ông sẽ được ở nhà luôn. Bà cho biết làm công chức cho chính phủ lại phải một mình chăm sóc hai con quả là một chuyện hết sức khó nhọc cho bà.
Ông Abdul Wahab là một trong số chừng 10 ngàn công nhân nam Á làm việc cho các quốc gia vùng vịnh kể từ những năm của thập niên 1970 trong lúc ngành khai thác dầu khí tại đây nở rộ, và hiện phải trở về nước. Ngành dầu hỏa phát triển mạnh như thế giúp Dubai tài trợ cho những công trình kiến trúc đồ sộ.
Ông Binod Khadria, một giáo sư kinh tế, giám đốc dự án di dân quốc tế và nghiên cứu các cộng đồng người Ấn ở nước ngoài của đại học JawaharlalNehru tại New Delhi, cho biết:
“Ngành công nghiệp dầu hỏa phát triển mạnh tạo nên nhu cầu vô cùng to lớn về công nhân nhập cư từ nước ngoài. Và đó là cơ hội bằng vàng cho những người có xảo năng thấp và xảo năng trung bình tìm ra được những việc làm trả lương cao.”
Trong số 6 triệu người sống tại Liên Hiệp các Tiểu Vương Quốc Ả Rập, mà Dubai là một trong số các tiểu quốc đó, có hơn 5 triệu là người nước ngoài, và hơn 3 triệu người trong số đó đăng ký là công nhân nước ngoài không xảo năng.
Giáo sư Khadria nói rằng hầu hết những lao động này là những người Ấn đến từ bang Kerala, là nơi mà cứ mỗi 6 công nhân thì có một người là lao động làm việc ở nước ngoài. Nhưng với nền kinh tế Dubai một thời phát triển tột bực nay gặp khó khăn vì tình trạng xuống dốc toàn cầu và nhiều dự án xây dựng bị đình hoãn hay hủy bỏ, các công nhân nhập cư đang bị chất đầy lên các chuyến bay chở họ về nước.
Giáo sư Khadria cho biết tiếp: “Tâm lý chung của họ là giờ đây cơ may tại Dubai đã hết, họ cảm nhận như thế, nhưng vẫn hy vọng là có những con đường khác mở ra cho họ. Châu Âu đang mở cửa, đông Á đang mở cửa. Đó là những nơi có cơ hội thu dụng nhân công.”
Kinh tế bang Kerala đang trông cậy vào mối hy vọng đó. Người dân bang này ra nước ngoài làm việc gửi về chừng 5 tỉ đô la mỗi năm. Số kiều hối này giúp gia tăng gần 25% nền kinh tế của bang.
Ông Rafeek Ravuther là người điều khiển chương trình truyền hình Thế Giới Di Dân. Đây là chương trình nói về những người dân bang Kerala ra nước ngoài làm việc. Ông nói rằng những người Ấn Độ trở về than phiền rằng ngay cả khi kinh tế nước Ấn đang trỗi dậy như hiện nay đồng lương vẫn còn quá thấp. Một số đã phải đem con em ra khỏi các trường tư. Nhưng ông Rafeek đã lưu ý đến một điểm khác.
Ông nói: “Nếu như họ trở về Kerala, họ sẽ từ chối những loại công việc như họ đã làm ở Dubai.”
Tại sao họ lại có thái độ như vậy? Lý do là cũng loại công việc đó nhưng ở Kerala trả rất ít tiền. Đã vậy lại còn vấn đề tự ái. Bất cứ công việc gì ở Dubai đều được coi là việc tốt, chả thế mà các chàng trai Ấn Độ độc thân đều thường kèm theo từ “làm việc tại Dubai” khi đăng quảng cáo trên báo tìm vợ.
Giờ đây, khi chuyện tìm việc làm ở tiểu vương quốc này ngày càng khó khăn hơn, những cô dâu tương lai không mấy trầm trồ về cái nhãn hiệu “làm việc tại Dubai” nữa.
Có chừng 10 triệu người nước ngoài làm việc tại các quốc gia vùng Vịnh. Nhưng sự phát triển mạnh về kinh tế của Dubai đã ngưng trệ, nên những công nhân nước ngoài, trong số này có những người từ Nam Á, đang bị trả về nước, và thường thì phải đứng trước một tương lại bất định. Từ Kochi, bang Kerala ở miền nam Ấn Độ, Thông tín viên Raymond Thibodeaux tường trình về vấn đề này như sau.
Đọc nhiều nhất
1