Khi Ankit Gupta, 28 tuổi, đặt tiền thế chân cho một căn hộ trong một khu chung cư đang được xây cất ở Gurgaon, gần thủ đô New Dehli hồi năm ngoái, anh lo ngại dự án này có thể bị đình hoãn.
Giá nhà cửa sụt giảm mạnh, và nhiều nhà phát triển địa ốc cần tiền đã hoãn lại các dự án xây cất, giữa lúc cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu kéo chậm lại nền kinh tế đang trên đà phát triển của Ấn độ.
Bây giờ thì anh Gupta không còn phải lo lắng nữa: “Bây giờ thì mọi sự đã thực sự thay đổi. Tôi đã đến thăm địa điểm của dự án khoảng 2 tuần trước, họ đã khởi công xây cất, và công trình này đang được tiến hành hết tốc độ. Ngay cả thị trường cũng đã hồi phục. Nếu như tôi muốn bán tài sản này, tôi cũng sẽ được lợi.”
Không phải chỉ có giá địa ốc là tăng trong bối cảnh nền kinh tế Ấn hồi phục trở lại để đạt tỷ lệ phát triển hơn 8%, mức đã được chứng kiến trong những năm trước cuộc khủng hoảng tài chánh.
Các công ty lại mướn thêm người. Giới tiêu thụ lại kéo đến những trung tâm thương mại đông đúc, và các mặt hàng xa xỉ lại được nhập khẩu. Đối với giai cấp trung lưu Ấn độ lên tới 300 triệu người, thành phần đóng góp nhiều vào đà phát triển kinh tế nội địa, cuộc suy thoái toàn cầu giờ đây chỉ còn là một ký ức đã phai mờ.
Làm thế nào tiếp cận nền kinh tế hùng mạnh này là điều mà các nhà lãnh đạo toan tính khi họ đến thăm Ấn độ trong năm nay. Theo chân Thủ Tướng Anh David Cameron, đến thăm New Dehli hồi tháng Bảy, là Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama, Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm đào, và Tổng Thống Nga Dimitri Medvedev trong vòng hai tháng qua.
Các giới chức nêu ra rằng đây là lần đầu tiên mà tất cả 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đi thăm Ấn độ nội trong vòng 6 tháng. Trong những đề tài đứng đầu nghị trình thảo luận của họ là thắt chặt các quan hệ thương mại và kinh doanh với nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh của Ấn độ.
Kinh tế gia Pai Panandiker, đứng đầu tổ chức nghiên cứu Goneka Foundation tại New Dehli, nói rằng nơi Ấn độ, lãnh đạo các nước phương Tây trông thấy triển vọng cho các mặt hàng xuất khẩu của họ, cơ hội đầu tư, và triển vọng kiến tạo thêm công ăn việc làm ở trong nước.
Ông nhận định: “Nền kinh tế Ấn độ giờ đây trị giá hơn 3 ngàn tỉ đôla, và nó đang phát triển khá nhanh. Điều đó có nghĩa là Ấn độ đã trở thành một thị trường rất lớn cho nhiều nước đó, nơi mà tỷ lệ tăng trưởng kinh tế còn rất thấp. Họ đang hướng về Ấn độ như một thị trường có khả năng kích thích nền kinh tế của họ.”
Các thỏa thuận trị giá nhiều tỉ đôla đã được loan báo trong các chuyến đi thăm của giới lãnh đạo quốc tế, phần lớn liên quan tới lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở và lĩnh vực quốc phòng, là hai lĩnh vực mà Ấn độ đang đổ rất nhiều tiền vào đầu tư.
Các thỏa thuận tổng cộng lên tới 10 tỉ đôla đã được chung quyết trong chuyến đi của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đến thăm Ấn độ. Trong chuyến đi thăm của nhà lãnh đạo Pháp, các thỏa thuận trị giá 13 tỉ đôla đã được loan báo, trong khi các thỏa thuận mà Chủ tịch nước Trung Quốc đạt được trong chuyến đi Ấn độ của ông trị giá tổng cộng 20 tỉ đôla.
Một thỏa thuận 30 tỉ đôla để mua chiến đấu cơ là điểm nổi bật trong chuyến đi thăm Ấn độ của Tổng Thống Nga Dimitri Medvedev. Tất cả các nước đều đặt ra những chỉ tiêu đầy cao vọng để tăng cường giao dịch thương mại với Ấn độ, giữa lúc các dự báo kinh tế tiên đoán đà tăng trưởng cao của Ấn sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Ấn độ là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh hàng thứ nhì trên thế giới, sau Trung Quốc. Dự kiến đến năm 2030, tổng sản phẩm quốc gia của Ấn độ sẽ đứng hạng 3, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Nền kinh tế của Ấn độ hồi phục lại trong năm 2010 đã mang lại nhiều tin vui cho giai cấp trung lưu trong nước, vốn đã được chứng kiến sự bột phát của nền kinh tế nội địa trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Từ New Dehli, Thông tín viên Anjana Pasricha tường thuật rằng nền kinh tế phát triển nhanh thứ nhì của thế giới cũng được nhiều nhà lãnh đạo thế giới đến thăm Ấn độ ca ngợi.
Đọc nhiều nhất
1