Mức tăng trưởng của quí thứ 2, từ tháng tư cho đến tháng sáu, đã hạ xuống 7,7 so với 8,8 cùng kỳ năm ngoái. Nhưng số liệu này không gây ngạc nhiên bao nhiêu.
Các kinh tế gia vẫn cảnh báo rằng 11 lần gia tăng lãi suất trong một năm rưỡi qua của Ngân hàng Trung ương gây trì trệ cho sự tăng trưởng kinh tế.
Các vụ tăng lãi suất nhằm tránh lạm phát, mà Ngân hàng Trung ương cho rằng gây khó khăn nhiều cho nền kinh tế, hơn là một sự trì trệ nhỏ. Sự thật, lãi suất tháng này dự kiến sẽ tăng thêm vì lạm phát vẫn tiếp tục ở trên 9%.
Đối với một nền kinh tế trỗi dậy trong những năm gần đây, thì lãi suất gia tăng đã khiến tinh thần lạc quan suy giảm.
Một cuộc điều tra mới đây của Hiệp hội các Phòng Thương Mại và Công Nghiệp cho biết niềm tin doanh nghiệp đã hạ giảm thấp nhất từ 2 năm, vì các công ty gặp khó khăn do tình hình kinh tế quốc nội và thế giới đều bị trì trệ.
Ông D.H. Pai Panindiker, một kinh tế gia thuộc tổ chức RPG Goenka, nói rằng đầu tư đã chậm lại trong những tháng gần đây:
“Chính lãi suất cao đã làm hỏng nhiều dự án có thể thu lợi. Những dự án có lợi thì không sống nổi. Ngoài ra, giới công nghiệp không thể tìm vốn được vì thị trường chứng khoán gặp vấn đề. Từ tháng Giêng đến nay, giá cổ phần hạ gần 13 tới 14%. Điều này khiến các công ty gặp khó khăn trong việc tìm nguồn vốn.”
Những lãnh vực bị tác hại nặng nhất là xây dựng và chế tạo ô tô, vì lý do lãi suất cao làm giảm mức cầu về nhà cửa và xe cộ.
Các doanh nghiệp còn lo ngại về một “sự tê liệt chính sách” trong chính phủ. Bận bịu đối phó với phong trào chống tham nhũng rộng khắp, chính phủ đã không tiến bước với những cải cách kinh tế được mong đợi từ lâu, có thể thu hút đầu tư nước ngoài và đem lại lực đẩy cho doanh nghiệp.
Vẫn theo kinh tế gia Panindiker, mọi người còn lo lắng về tương lai nữa:
“Nói chung tinh thần dân chúng không được vui vẻ gì lắm. Dân thường thì lo chuyện lạm phát. Doanh nghiệp thì quan ngại về tăng trưởng và đầu tư.”
Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 3 của châu Á và đã trỗi dậy từ cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008 coi như không hề hấn gì. Nhưng tình hình hạ giảm gần đây đang gây lo lắng, nhất là giữa lúc có thể có một cơn suy thoái toàn cầu mới.
Nhiều đợt tăng lãi suất bắt đầu ảnh hưởng lên kinh tế Ấn Độ. Sự kiện này đã làm chậm bớt tốc độ tăng trưởng kinh tế và làm giảm niềm tin trong giới doanh nghiệp.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1