Vào lúc còi hụ vang lên khắp New Delhi, 2 tháng hoạch định kế hoạch đã hoàn tất.
Tại 9 khu vực khác nhau của thành phố, các nhân viên cứu hộ đã mô phỏng một trận động đất với cường độ 7,2 độ trên địa chấn kế cách thủ đô 275 kilomet về phía đông bắc.
Tại một tòa cao ốc của chính phủ, những người tình nguyện đã tỏa ra để ngăn cho các chủ tiệm đừng tới gần tòa nhà.
Nhân viên cứu hỏa và các y tá thực tập việc chuyển người bị thương tới các xe cấp cứu.
Phó ủy viên quận D.K. Mishra nói rằng cuộc thao dượt có mục đích dạy công chúng những nguyên tắc cơ bản cho việc chuẩn bị đối phó với một trận động đất, nhưng cũng để đánh giá các nhân viên cấp cứu chuyên nghiệp. Ông nói:
“Những người đáp ứng tình trạng khẩn cấp có những nhiệm vụ khác nhau - có những người phải cứu hộ dân chúng, chuyển người bị thương tới bệnh viện, có người cung cấp những trợ giúp khác nhau cho dân chúng, phẩm vật cứu trợ – chúng tôi phải trắc nghiệm khả năng của họ. Họ hoạt động nhanh ra sao, họ tới hiện trường và xử lý tình huống thực tế như thế nào.”
)
Ấn Độ đã trễ trong tiến trình chuẩn bị đối phó với thiên tai. Cơ Quan Quản Trị Thiên Tai Quốc Gia của Ấn Độ mới chỉ được thành lập năm 2005, một thời gian ngắn sau khi xảy ra trận sóng thần tại Châu Á. Mặc dầu cuộc thao dượt tuần này là một bước khởi đầu đáng kể, quốc gia này vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Bà Angeli Qwatra là một chuyên gia điều hành việc đối phó với tình huống khẩn cấp được quốc tế công nhận. Bà quan sát cuộc thao dượt tại một trong những trạm xe điện ngầm của New Delhi. Bà nhận xét:
“Theo dự trù việc này coi như phải mất nửa giờ, Nhưng đã chỉ mất từ 5 tới 7 phút. Các hành khách bị giữ lại bởi vì cảnh mô phỏng ở đây là một vết nứt đã hiện ra trên đường rày.”
Bà Qwatra nói các nhân viên xe điện ngầm đã không thành công trong việc xử lý đám đông hành khách, nhiều người đã lên xe trở lại rất lâu trước khi nửa giờ thao dượt hoàn tất.
Bà nói rằng các chuyên viên cũng như thường dân cần nghĩ tới những cuộc thao dượt như thế này một cách nghiêm chỉnh nhiều hơn nữa. Bà nhận định:
“Tôi nghĩ rằng chuyện như vậy là do thái độ xử sự và cũng ở mức độ ý thức nữa. Các giới chức không ý thức được những mối nguy hiểm. Nếu ý thức, họ sẽ hiểu rõ số tổn thất nhân mạng, nhà cửa cũng như kinh tế có thể xảy ra. Vì thế mới phải tổ chức những cuộc thao dượt như thế này.”
Nhưng các nhà khảo cứu nói rằng New Delhi – và gần như tất cả mọi thành phố của Ấn Độ – phải đối diện với một mối nguy hiểm sâu xa hơn là sự thiếu ý thức về đáp ứng ban đầu.
Các nhà khảo cứu nói rằng nhiều thập niên tham nhũng đã để cho các nhà thầu hối lộ để họ khỏi phải xây dựng các cao ốc theo đúng tiêu chuẩn hầu có thể đứng vững trong các trận động đất.
Thủ đô Ấn Độ tọa lạc tại một khu vực địa chấn vẫn hoạt động, tình trạng rệu rạo của nhiều kiến trúc ở đây, nếu có một trận động đất xảy ra , số thương vong tại thành phố hơn 16 triệu dân này không biết sẽ lên tới mức nào.
Thủ đô Ấn Độ đã mở một cuộc thao dượt trên quy mô lớn đầu tiên về vấn đề đối phó với thiên tai. Cuộc thao dượt này có mục đích gây ý thức cho công chúng và nhấn mạnh tới những khó khăn về hậu cần mà Ấn Độ phải đối diện khi nền kinh tế của họ mới bắt đầu phát triển.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1