Cả bên trong lẫn bên ngoài Quốc Hội, đã có những lời kêu gọi thay đổi sâu rộng trong phạm vi và hình thức của dự luật chống tham nhũng còn gọi là Dự luật Lokpal, do chính phủ đề xuất.
Tại trung tâm thương mại Mumbai, người đi tiên phong trong phong trào dân túy chống tham nhũng, ông Anna Hazare, đã bắt đầu một cuộc tuyệt thực trong 3 ngày gọi dự luật là “vô hiệu lực” và đòi dự luật mạnh hơn.
Dự luật này tìm cách thành lập một cơ quan thanh tra với quyền điều tra các tố cáo tham nhũng chống lại giới quan lại và các chính trị gia.
Nhưng nhà hoạt động xã hội dân sự Hazare cáo buộc rằng cơ quan thanh tra theo đề xuất sẽ bị chính phủ kiểm soát, khiến cho cơ quan trở thành vô hiệu trong việc giải quyết tình trạng tham nhũng tràn lan.
Ông Hazare nói với những người ủng hộ ông rằng dự luật chống tham nhũng của chính phủ là một mưu toan đánh lừa người dân trong nước.
Các nhà tranh đấu xã hội dân sự lo ngại rằng cơ quan thanh tra theo đề xuất sẽ không có quyền hạn đối với cơ quan điều tra cao nhất trong nước, chuyên điều tra các vụ tham nhũng. Họ muốn cơ quan thanh tra có quyền điều tra độc lập.
Tiếp theo vụ phản kháng ở Mumbai, ông Hazare đã đe dọa sẽ mở một chiến dịch bất tuân dân sự rộng lớn hơn bắt đầu vào ngày thứ sáu tới trong đó các nhà hoạt động sẽ tự nguyện vào tù nếu các yêu sách của họ không được thỏa mãn.
Ông Hazare kêu gọi những người ủng hộ vào chật các nhà tù trên khắp nước.
Tuy nhiên, cuộc phản kháng của ông Hazare ở Mumbai đã thu hút những đám đông nhỏ hơn so với một cuộc tuyệt thực đã được tổ chức ở New Delhi hồi tháng 8. Chiến dịch lần đó đã khơi ra một phản ứng ồ ạt của công chúng gây áp lực đòi chính phủ phải đề xuất dự luật.
Bên trong Quốc hội, cuộc tranh luận rất gay gắt. Người lãnh đạo đảng đối lập chính Bharatiya Janata BJP, bà Sushma Swaraj, lên án dự luật Lokpal là đầy khuyết điểm.
Bà nói cơ quan thanh tra theo đề nghị sẽ bị đặt dưới ảnh hưởng chặt chẽ của chính phủ, và sẽ không có tính cách độc lập.
Chính phủ nói dự luật được đề xuất là một dự luật tốt đẹp và sẽ là công cụ để chống tham nhũng.
Bộ trưởng Viễn thông Kapil Sibal lên án đảng BJP đối lập là không nghiêm túc trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Ông nói rằng đảng không muốn chống tham nhũng và thực ra lại còn tán đồng tham nhũng khi nắm quyền.
Chính phủ đã kéo dài phiên họp quốc hội để tranh luận về dự luật chống tham nhũng và tỏ ý hy vọng sẽ thông qua dự luật quan trọng trước ngày thứ năm. Nhưng số phận của dự luật còn chưa nhất định vì các đảng đối lập dự trù đòi nhiều thay đổi.
Các chính phủ tiếp nối nhau đã hứa thực thi một bộ luật chống tham những từ 5 thập niên qua. Nhưng dự luật hiện nay đã được chính phủ đề xuất sau một loạt những vụ tai tiếng tham nhũng nhiều tỷ đôla có liên hệ đến các chính trị gia hàng đầu đã châm ngòi cho một làn sóng phẫn nộ trong công chúng.
Tại Ấn Độ, nhà hoạt động chống tham nhũng Anna Hazare đã bắt đầu một cuộc tuyệt thực đòi chính phủ thảo lại một dự luật chống tham nhũng mà các nhà lập pháp bắt đầu tranh luận trong ngày hôm nay. Theo tường thuật từ New Delhi của thông tín viên VOA Anjana Pasricha, dự luật này được đề xuất sau một cuộc vận động kéo dài cả năm của các nhà hoạt động xã hội dân sự, nhưng những người tranh đấu chống tham nhũng và phe đối lập chính trị đã đả kích dự luật là vô hiệu quả.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1