Cách nay chưa đầy 6 tháng, hầu hết những người ở Ấn Độ không biết ông Anna Hazare là ai, ngoại trừ những người ở quê ông là tiểu bang Maharashtra ở miền tây, nơi ông đã ra sức vận động cho thay đổi chính trị và xã hội từ nhiều năm qua.
Sau khi thôi làm tài xế trong quân đội hồi thập niên 1970, ông Hazare tập trung nỗ lực vào việc giải quyết tình trạng khô hạn ở làng quê của ông là làng Ralegan Siddhi.
Ông dẫn đầu một cuộc vận động nhằm xây dựng các hệ thống thủy lợi để tích trữ nước mưa và trồng cây. Thu nhập của dân làng nghèo khó đã được cải thiện nhờ mùa màng thu hoạch khá hơn và làng ông giành được danh hiệu là làng kiểu mẫu.
Cùng lúc đó ông Hazare cũng thực hiện một cuộc vận động xã hội để chống lại tệ nạn uống rượu và hút thuốc, một cuộc vận động đôi khi gây nhiều tranh cãi. Tin tức báo chí nói rằng ông đã dùng những chiến thuật mạnh tay như công khai đánh đập những người vi phạm lệnh cấm uống rượu.
Đến thập niên 1990, ông Hazare chuyển hướng hoạt động và quay sang việc tranh đấu chống tham nhũng ở tiểu bang Maharashtra. Ông thực hiện nhiều cuộc tuyệt thực nhằm làm cho các giới chức chính quyền cảm thấy hổ thẹn mà có hành động để chống lại tệ nạn tham ô. Những cuộc tuyệt thực của ông đã buộc hai vị bộ trưởng trong chính phủ tiểu bang từ chức và giới hữu trách phải tiến hành những cuộc điều tra tham nhũng nhắm vào 4 vị bộ trưởng khác.
Nhà tranh đấu xã hội này bắt đầu xuất hiện trên sân khấu quốc gia hồi tháng Tư, khi ông tiến hành một cuộc tuyệt thực 4 ngày để đòi chính phủ soạn thảo một dự luật để thành lập một cơ quan chống tham nhũng.
Cuộc phản kháng của ông, diễn ra dưới ánh đèn của máy quay phim của các đài truyền hình, đã thu hút sự chú ý của dân chúng Ấn Độ, nơi mà những vụ bê bối tham nhũng nhiều tỉ đô la được phanh phui hồi gần đây làm cho dân chúng sửng sốt tuy họ đã quen với vấn đề tham ô trong chính phủ. Cuộc tuyệt thực đó đã kết thúc sau khi chính phủ hứa hẹn sẽ lập ra một cơ quan thanh tra có nhiều quyền lợi để chống tham nhũng.
Ông Raghunadan Thoniparambil là người lập ra website ipaidabribe.com. Ông cho biết ông Hazare đã thành công trong việc thu hút sự chú ý của người dân về nạn tham nhũng.
Ông Thoniparambil nói: "Một việc lớn, một trong những thành quả lớn nhất của việc này là đề tài tham nhũng đã nằm trên trang nhất của các tờ báo trong năm vừa qua, và tôi nghĩ rằng chỉ điều đó thôi cũng đủ để tán dương Nhóm Anna về những gì mà họ đã làm. Giờ đây mọi người ai nấy cũng đều bàn tán tới nạn tham nhũng."
Ông Hazare thực hiện cuộc tuyệt thực thứ nhì vào ngày 16 tháng 8 sau khi tố cáo chính phủ không giữ lời hứa và đã đưa ra trước quốc hội điều mà ông gọi là một dự luật quá yếu kém để chống tham nhũng.
Cuộc vận động của ông đã nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ chưa từng có của công chúng sau khi chính quyền bắt giam ông trong một thời gian ngắn để ngăn chận cuộc tuyệt thực.
Trong cuộc tuyệt thực mới nhất của ông, ông Hazare mặc quần áo trắng, đội mũ trắng và thường đứng chụp hình trước một bức ảnh lớn của Thánh Gandhi. Việc ông Hazare dùng tuyệt thực như một phương thức đấu tranh và không ngớt cổ xúy cho phương pháp tranh đấu bất bạo động làm nhiều người nhớ tới cuộc vận động của Thánh Gandhi, và ông Hazare gọi cuộc vận động của ông là cuộc tranh đấu giành độc lập lần thứ nhì.
Tuy nhiên, người chắt của Thánh Gandhi, ông Tushar Gandhi, nói rằng có một sự khác biệt vô cùng quan trọng giữa ông cố của ông với ông Hazare trong cách sử dụng tuyệt thực như một phương thức đấu tranh.
Ông Gandhi nói: "Đối với ông Anna, đó là một cách để gây sức ép, buộc chính phủ phải đầu hàng và tuân phục. Điều này rõ ràng là một toan tính để ép buộc. Còn đối với ông cố tôi, như nguyên văn ông ấy đã nói, “hành động tuyệt thực của tôi là một hành động của yêu thương nhằm đưa một người bạn trở lại với con đường công chính, chứ không phải là một mưu toan nhằm tiêu diệt kẻ thù.”
Tuy có sự chỉ trích như vậy, không mấy ai hoài nghi là ông Hazare đã nói thay cho người dân những điều họ muốn nói. Trong lúc một số nhà phân tích chính trị cho rằng cuộc vận động này khó lòng diệt trừ được tệ nạn tham nhũng thâm căn cố đế ở Ấn Độ, ông Hazare cho biết ông sẵn sàng hy sinh tính mạng cho cuộc tranh đấu của mình.
Tại Ấn Độ, nhân vật tranh đấu xã hội Anne Hazare đã trở thành một biểu tượng toàn quốc trong lúc ông cầm đầu một cuộc vận động chống tham nhũng. Từ New Dehli, thông tín viên Anjana Parischa của đài VOA tường thuật rằng nhà tranh đấu 74 tuổi này đã trở thành một nhà cải cách xã hội và được mọi người trên cả nước biết tới.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1