Trong số những người hô vang các khẩu hiệu tại New Delhi để ủng hộ ông Anna Hazare, có một kiến trúc sư muốn tỏ tình đoàn kết với phong trào chống tham nhũng mà nhà hoạt động xã hội dân sự này đã phát động.
Ông Satendra Jain cho biết ông không có lựa chọn nào khác hơn là lót tay cho các giới chức tại Tổng công ty Đô thị New Delhi nếu ông muốn các dự án ông thực hiện cho khách hàng được chấp thuận.
Ông Jain nói: “Chúng tôi phải mượn tới các tay trung gian, họ đến văn phòng cơ quan này. Họ đòi chúng tôi chỉ hàng ngàn đôla để chấp thuận các dự án xây dựng.”
Người dân Ấn Độ lâu nay vẫn chấp nhận trả tiền hối lộ để được cấp hộ chiếu, bằng lái xe hay thẻ khẩu phần và đã làm như thế mà không phản đối gì từ nhiều thập niên.
Nhưng họ đã được khích động tham gia vào cuộc chiến chống tham nhũng qua chiến dịch của ông Anna Hazare đòi một ủy ban thanh tra độc lập điều tra tham nhũng. Môn đệ 74 tuổi của thánh Mahatma Gandhi đã bị bắt hôm thứ ba, khơi ra những vụ biểu tình xuống đường ở các thành phố khắp nước.
Những người ủng hộ ông Hazare xuất thân từ nhiều lãnh vực khắp xã hội – sinh viên, các bà nội trợ, công nhân viên chức hồi hưu và những người thuộc mọi ngành nghề. Hầu hết đều thuộc giới trung lưu, thường không có thiện cảm chính trị, nhưng nay lại đứng ngay tiền tuyến của cái được ông Hazare gọi là cuộc chiến thứ nhì đòi độc lập của Ấn Độ.
Cựu viên chức Raghunandan Thoniparambil đã mở một trang web gọi là ipaidabribe.com hồi năm ngoái để mọi người ghi nhận các kinh nghiệm về tham nhũng. Ông nói những người này đang đi tìm chỗ để giải tỏa những nỗi bất bình.
Ông Thoniparambil nói: “Có rất nhiều nỗi căm phẫn đã lên đến tột đỉnh. Họ coi ông Anna Hazare như một biểu tượng mà họ có thể đứng phía sau, khi họ bước ra bầy tỏ nỗi căm phẫn.”
Sự phẫn nộ của công chúng đã được hâm ngòi bởi những tiết lộ về một loạt những vụ tai tiếng nhiều tỷ đôla có liên quan đến các giới chức cấp cao nhất đã chiếm lĩnh các tít hàng đầu trên báo chí từ gần 1 năm nay.
Nhưng chính những hành vi tham nhũng lẻ tẻ mà mọi người phải đối mặt trong cuộc sống thường nhật đã bắt đầu làm họ bực bội.
Tại New Delhi, chuyên gia phân tích chính trị độc lập Prem Shankar Jha nói không có một cuộc giao dịch nào mà dân chúng không phải trả tiền và một nền kinh tế bột phát lại còn làm cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn.
Chuyên gia Jha nói: “Điều đã khiến cho số những người bị tác động bởi loại tham nhũng và tống tiền này gia tăng rất nhanh chóng là sự tăng trưởng nhanh chóng trong 20 năm vừa qua, và nhất là trong vòng 10 năm gần đây. Bởi vì ngày càng có thêm những người tiến vào khu vực hiện đại của nền kinh tế và ra khỏi khu vực cổ truyền, họ phải đối mặt với giới quan lại và với hệ thống chính trị mà họ thấy mình phải trả tiền ở mỗi một khúc quanh.”
Trong số những người xuống đường, gần như có sự đồng thuận nhất trí rằng tầng lớp chính trị là thủ phạm gây ra dịch tham nhũng. Ankit Jaswa là một sinh viên cao học tham gia các cuộc biểu tình.
Anh Jaswa phát biểu: “Hành vi của các chính trị gia của chúng ta đã trở nên rất xấu xa...Họ hành xử hoàn toàn vì tư lợi, chứ không phải vì đất nước, và họ lạm dụng công quỹ.”
Nhưng những người khác cảnh báo rằng tham nhũng không phải chỉ là một vấn đề “trắng đen” có liên quan đến các chính trị gia và giới quan lại.
Ông Thoniparambil nói việc phân tích các sự việc báo cáo trên trang web của họ có liên quan đến đăng ký nhà đất cho thấy tham nhũng đã trở thành điều ông gọi là “một hiện tượng dây chuyền thị trường” liên hệ đến nhiều người khác ngoài các giới chức chính phủ.
Ông Thoniparambil nói: “Điều khiến chúng tôi kinh ngạc là sự phát hiện không phải chỉ có các viên chức chính phủ là đòi hối lộ, mà cả một mạng lưới trong khu vực tư nhân gồm các luật sư, các đại diện công ty xây dựng, cũng nằm trong khuôn khổ trò chơi này. Họ thực sự là một phần trong tiến trình thuyết phục dân chúng rằng chỉ cần trả tiền hối lộ và mọi người rơi vào bẫy y như những con cừu non bị đưa vào lò sát sinh.”
Hệ thống có thể đã bám rễ rất sâu, như là một hệ thống mà nay có nhiều người sẵn sàng chống lại trong một quốc gia mà 3/4 dân số dưới 35 tuổi.
Trong khối dân này có các sinh viên như Soumya Jain, đang xuống đường và tràn đầy lý tưởng và niềm tin rằng có thể cải tổ được hệ thống.
Anh Jain nói: “Có thể có thay đổi. Sẽ có thay đổi – và điều này chỉ xảy ra nếu dân chúng Ấn Độ tranh đấu hướng tới mục tiêu đó.”
Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị cảnh báo rằng cuộc chiến chống tham nhũng không thể thắng được bởi một nghị trình với một điểm duy nhất là tạo ra một cơ quan thanh tra như ông Hazare đang đòi. Còn có những lo ngại rằng một cơ quan thanh tra mạnh như thế có thể gây phương hại cho các cơ chế dân chủ hiện hữu.
Chính phủ nói rằng phương pháp phản đối của ông Hazare, tức là tuyên bố tuyệt thực vô thời hạn, là một hình thức tống tiền và ông đang thách thức quyền của quốc hội trong việc hình thành các luật lệ. Tuy nhiên, mọi người đều đồng ý rằng cuộc chiến làm sạch chính quyền ở Ấn Độ không thể đảo ngược được.
Chiến dịch của nhà hoạt động Hazare gây tiếng vang khắp Ấn Độ
Tại Ấn Độ, hàng chục ngàn người đã quy tụ đằng sau một chiến dịch chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của nhà hoạt động xã hội Anna Hazare. Ông Hazare là người đã mở màn cho một cuộc tuyệt thực vô hạn định để làm áp lực đòi một bộ luật mạnh chống tham nhũng. Từ New Delhi, thông tín viên VOA Anjana Pasricha tìm hiểu về nguyên do chiến dịch đã đánh động đến hàng triệu người.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1