Vào lúc chính phủ do đảng Quốc Đại lãnh đạo trình dự luật chống tham nhũng còn gọi là Lokpal ra trước hạ viện hôm nay, giới tranh đấu đã đốt các bản sao dự thảo luật giữ những lời khẩu hiệu và hoan hô.
Giới tranh đấu đã vận động đòi một bộ luật chống tham nhũng gắt gao hơn và nói rằng dự thảo luận quá yếu không thể giải quyết điều họ gọi là tình trạng tham ô tràn lan trong nước.
Nhà hoạt động xã hội Anna Hazare, người đã tuyệt thực hồi tháng Tư và tạo động năng cho phong trào chống tham nhũng ở Ấn Độ, đã cảnh báo về một cuộc đối đầu mới với chính phủ. Ông nói ông sẽ khởi sự một cuộc tuyệt thực từ ngày 16 tháng này để vận động cho một bộ luật gắt gao hơn. Ông đã yêu cầu dân chúng khắp nước cùng tham gia với ông.
Ông Hazare nói nếu dân chúng bỏ lỡ cơ hội này để loại trừ tham nhũng ra khỏi đời sống công cộng, thì họ sẽ không còn cơ hội nào nữa.
Giới tranh đấu do ông Hazare đứng đầu đã tham gia vào việc soạn thảo dự luật nhưng than phiền rằng các ý kiến của họ không được chú ý tới trong văn kiện chung quyết.
Chính phủ đã bác bỏ yêu sách của họ rằng người làm công tác kiểm tra phải có quyền điều tra các tố giác tham nhũng nhắm vào thủ tướng, ngành tư pháp và các nhà lập pháp. Tuy nhiên, các vị bộ trưởng liên bang và các giới chức hành chánh cao cấp, được bao che bởi các luật hiện hữu, sẽ chịu trách nhiệm về cuộc điều tra.
Song các nhà vận đội xã hội dân sự muốn các giới chức thuộc mọi cấp phải được đặt dưới quyền của bộ luật mới. Họ nói nếu không thì sẽ không diệt trừ được tham nhũng tác động đến người dân thường.
Ông Arvind Kejriwal đã đi tiên phong trong chiến dịch chống tham nhũng.
Ông Kejriwal nói rằng dự luật sẽ không giúp ích trong việc điều tra tham nhũng như vụ thuốc men biến mất trong các bệnh viện, tình trạng hụt các khẩu phần thực phẩm dành cho người nghèo hay tình trạng tham nhũng ở cấp hội đồng xã.
Không phải chỉ có những người vận động xã hội dân sự là thất vọng trước nỗ lực giải quyết tham nhũng của chính phủ qua bộ luật mới này.
Tại Quốc hội, lãnh tụ đảng đối lập Bharatiya Janata, bà Sushma Swajaj, đã đưa ra lời phản đối dự luật bởi vì thủ tướng được miễn trừ khỏi lãnh vực của bộ luật.
Bà Swaraj nêu câu hỏi làm thế nào mà một cá nhân có thể được đối xử như một con bò thiêng? Bà nói sự kiện này đi ngược lại tinh thần của hiến pháp là đối xử công bằng với mọi người dân.
Tham nhũng đã trở thành mối quan ngại hàng đầu ở Ấn Độ sau khi có những tố giác rằng hàng tỷ đôla đã bị tuồn từ ban tổ chức Đại hội Thể thao Khối Thịnh vượng chung hồi năm ngoái, trong một cuộc đấu giá dàn viễn thông, và trong những vụ đào mỏ bất hợp pháp. Cáo buộc tham nhũng đã nhắm vào các giới chức của ca liên minh đương quyền do đảng Quốc Đại lãnh đạo, lẫn phe đối lập BJP.
Chính phủ nói việc đệ trình Dự luật Lokpal ra trước quốc hội chứng tỏ rằng chính phủ nghiêm túc trong việc giải quyết vấn đề tham nhũng và bảo đảmg tính trách nhiệm trong đời sống công cộng.
Chính phủ Ấn Độ vừa đề xuất một dự luật chống tham nhũng ra trước quốc hội để giải quyết tình trạng tham ô sau khi xảy ra một loạt những vụ tai tiếng tham nhũng trong nước. Nhưng giới hoạt động xã hội dân sự chỉ trích dự thảo luật và kêu gọi một chiến dịch toàn quốc đòi một bộ luật gắt gao hơn. Từ New Delhi, thông tín viên VOA Anjana Pasricha gửi về bài tường thuật sau đây.