Không có mấy chi tiết cụ thể được công bố về chuyến đi mới nhất của bà Hillary Clinton đến vùng này, mà mục đích chính là đặt nền móng cho các cuộc đàm phán về sách lược tại Washington vào tháng tới.
Ông Harinder Sekhon, một thành viên kỳ cựu của Quỹ Khảo Cứu Quan sát ở New Delhi, nói ngoại trưởng Hoa Kỳ có thể bơm năng lượng mới vào một quan hệ đối tác đang suy yếu:
“Có nhiều mối quan ngại ở Washington và ở New Delhi rằng công cuộc hợp tác này sẽ chẳng đi đến đâu. Tôi nghĩ có lẽ đây là một chuyến đi để đem lại một yếu tố lạc quan rằng chúng ta vẫn còn có cam kết với nhau.”
Ông Harinder Sekhon nói các cuộc đàm phán giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ có thể đem lại tiến bộ trong công cuộc hợp tác chống khủng bố và có thể đưa đến các thỏa thuận gia tăng nỗ lực sản xuất chung. Ông cho biết:
“Giới kinh doanh Ấn Độ đã vận động rất ráo riết về việc hợp tác với các công ty Mỹ nhưng mọi sự đều khựng lại khi bàn đến các vấn đề chuyển nhượng và chia sẻ kỹ thuật. Tôi nghĩ ta cần phải xây dựng một mức độ tin tưởng nào đó. Thứ nhất dĩ nhiên là trong lãnh vực sách lược, nhưng nếu không phải là thế, thì việc xây dựng cầu, kỹ thuật xây đập, y tế. Tại sao Hoa Kỳ không đề xuất việc xây dựng một bệnh viện tối tân?”
Các kế hoạch ổn định khu vực sau cuộc triệt thoái của lực lượng Hoa Kỳ ra khỏi Afghanistan dự kiến vào năm 2014 có phần chắc sẽ được xếp cao trong nghị trình.
Ấn Độ đã lập luận rằng Hoa Kỳ cần phải có thêm biện pháp để đưa lân quốc của Afghanistan là Iran vào các kế hoạch ổn định khu vực. Hoa Kỳ đang tìm cách cô lập hóa Iran vì điều mà Washington coi là chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
Tuy không ủng hộ các biện pháp chế tài của Hoa Kỳ nhắm vào Iran, Ấn Độ đã giảm thiểu đáng kể lượng sản phẩm dầu nhập khẩu từ nước cộng hòa Hồi giáo này trong những tháng vừa qua.
Ông N. Bhanumurthy là một chuyên gia làm việc cho Học viện Quốc gia về Chính sách và Tài chính Công cộng ở New Delhi. Ông nói có phần chắc Ngoại trưởng Clinton sẽ nêu vấn đề các cải cách tài chính bị đình đốn ở Ấn Đô, cũng như một sắc thuế có hiệu lực trở về trước vừa được loan báo mà các công ty điện thoại di động phải đóng. Ông nhận định:
“Sắc thuế này thực sự gây khó khăn cho nhiều công ty nước ngoài, và có áp lực từ phía các công ty bên ngoài đòi bãi bỏ quyết định về thuế này. Vấn đề này chắc chắn sẽ được nêu ra.”
Sau khi dừng chân tại Bangladesh, Ngoại trưởng Hoa Kỳ dự trù sẽ ghé qua bang Tây Bengal của Ấn Độ, nơi bà dự trù gặp Thủ hiến Mamata Banerjee.
Bà Clinton có thể nhân dịp này thảo luận với bà Banerjee về việc bà chống đối đầu tư trực tiếp nước ngoài của các đại công ty Hoa Kỳ như Wall-mart trong khu vực bán lẻ của Ấn Độ.
Bà Banerjee đã gây bẽ bàng cho đảng Quốc Đại cầm quyền khi buộc đảng này bãi bỏ một dự luật đã được thông qua cho phép một hình thức đầu tư như thế hồi năm ngoái, là lúc bà đe dọa rút ra đảng của mình ra khỏi liên minh cầm quyền.
Theo dự kiến, bà Clinton sẽ ở lại Ấn Độ cho đến ngày thứ ba tới, trước khi trở về Washington.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đang trên đường đi Bangladesh và Ấn Độ để đặt nền tảng cho cuộc đối thoại sách lược cấp cao giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ tại Washington vào tháng tới.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1