Đường dẫn truy cập

Nhiều nguyên thủ quốc gia lập lại đề nghị về một hiệp ước khí hậu


Thủ tướng Ấn Ðộ Manmohan Singh kêu gọi các nước công nghiệp hóa, là những nước thường gây ô nhiễm, phải có nhiều biện pháp hơn để giảm thiểu lượng khí thải có hiệu ứng nhà kính
Thủ tướng Ấn Ðộ Manmohan Singh kêu gọi các nước công nghiệp hóa, là những nước thường gây ô nhiễm, phải có nhiều biện pháp hơn để giảm thiểu lượng khí thải có hiệu ứng nhà kính

Các vị nguyên thủ quốc gia đang họp tại Ấn Độ đang họp tại Ấn Độ để thảo luận về vấn đề biến đổi khí hậu. Các nhà lãnh đạo chính phủ hy vọng đạt được tiến bộ hướng tới một hiệp ước về biến đổi khí hậu sau cố gắng bất thành ở Copenhagen hồi tháng 12 năm ngoái. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Steve Herman từ New Delhi, các cuộc thảo luận cho thấy tầm mức khó khăn trong việc tìm cách đạt được sự đồng thuận tại Hội nghị Khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu năm nay.

Thủ tướng Manmohan Singh của Ấn Độ kêu gọi các nước công nghiệp hóa, là những nước thường gây ô nhiễm, phải có nhiều biện pháp hơn để giảm thiểu lượng khí thải có hiệu ứng nhà kính.

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về Phát triển Bền vững ở New Delhi, ông Singh khẳng định rõ rằng đối với các nước lớn đang phát triển, như Ấn Độ, không nên để các giải pháp đề xuất gây trở ngại cho sự tăng trưởng kinh tế.

Ông Singh nói: “Biện pháp về khí hậu mà gây trì hoãn hay tạo thêm khó khăn cho công tác cơ bản là xóa nghèo sẽ rất khó mà thực thi đựơc.”

Ấn Độ tiếp tục bác bỏ những lời hô hào đòi các hiệp ước có tính cưỡng chế, điều mà các vị lãnh đạo chính phủ khác tại cuộc họp thượng đỉnh Delhi đang ủng hộ – trong đó có Hy Lạp, Na Uy và Slovenia.

Sự vắng mặt của Hoa Kỳ và Trung Quốc là điểm nổi bật tại hội nghị. Một số chuyên gia cảnh báo rằng thúc đẩy cho các hạn chế khí thải có tính cưỡng chế về pháp lý sẽ không mang lại kết quả bởi vì một thỏa thuận như thế sẽ không được sự chấp thuận của Quốc hội Hoa Kỳ.

Trung Quốc cũng bày tỏ sự chống đối các hạn chế có tính cưỡng chế pháp lý về việc thải khí có hiệu ứng nhà kính.

Một số các quốc gia nhỏ bé nhất trông đợi sẽ phải gánh chịu hậu quả tệ hại nhất của việc tăng khí thải. Họ đang đưa ra những lời kêu gọi lớn tiếng nhất đòi tiến hành biện pháp sâu rộng tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về khí hậu tại Mexico.

Ông Anote Tong là Tổng thống của đảo quốc cộng hoà tí hon Kirbati ở vùng Thái bình dương, với độ cao trung bình 2 mét trên mực nước biển. Ông nói rằng nếu không tìm ra được một giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu thì chẳng bao lâu nuớc ông sẽ thực thụ bị chìm dưới nước.

Ông Tong nói: “Tôi tin rằng nếu muốn đạt được một thành quả nào đó trong việc điều hoà hay giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thì chúng ta phải chấp nhận thực tế là phải có một quyền lực nghiêm khắc duy nhất.”

Các nhà lãnh đạo, như ông Jens Stoltenberg của Na Uy, cam kết sẽ góp phần giảm thiểu tác động của sự biến đổi khí hậu. Thủ tướng Stoltenberg nói với các đại biểu rằng đến năm 2030, Na Uy sẽ trung hòa về khí carbon.

Hội nghị trong 3 ngày bao gồm các phiên họp không chính thức và không ghi biên bản giữa các nhà lãnh đạo chính phủ và các vị bộ trưởng môi trưòng – đây là các cuộc thảo luận đầu tiên như vậy kể từ khi hội nghị thượng đỉnh Copehangen không đạt được bất cứ một thỏa thuận toàn cầu mới nào.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG