Sự tiến triển của Trung Quốc trong tư thế cường quốc là một lực đẩy chính trong các cuộc đàm phán ngoại giao mới đây ở thủ đô Ấn Độ. Các chuyên gia nổi tiếng về các vấn đề toàn cầu đã họp để mưu tìm các phương sách thiết lập một quan hệ đối tác toàn cầu chặt chẽ hơn giữa Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản.
Ông Richard Armitage là cựu Thứ trưởng Ngoại giao dưới thời Tổng thống George W. Bush. Ông nói tầm quan trọng ngày càng tiến triển của Trung Quốc là điều không thể tránh được, nhưng có thể được lèo lái một cách nhẹ nhàng bởi các nước láng giềng.
Ông Armitage cho biết: “Việc Trung Quốc tiến lên một cách êm ái có thể được hoàn thành tốt đẹp nhất khi nó bám rễ trong một khu vực có các nền dân chủ vững mạnh, hòa bình và cấp tiến.”
Ông Tomohiko Taniguchi là một nhà cựu ngoại giao Nhật Bản và là một giáo sư tại các trường Đại học Keio và Meiju của Nhật Bản. Ông nói đối phó với Trung Quốc dễ dàng hơn khi các nền dân chủ có cùng một tiếng nói.
Ông Taniguchi nói: “Có một sự thừa nhận, ngày càng nhiều hơn, là khi nói về việc đối phó với Trung Quốc, thì điều luôn tốt hơn là tham khảo với những người có cùng quan điểm, gần như lúc nào cũng thế, hoặc trước khi nói chuyện với phía Trung Quốc. Bởi vì nhiều mối quan ngại mà phía Mỹ chia sẻ tương đồng với những mối quan ngại của phía Nhật Bản, và ngày càng nhiều hơn về phía Ấn Độ.”
Tại Ấn Độ, ít người trông đợi sẽ tái diễn một cuộc chiến tranh tàn bạo và chớp nhoáng giữa hai đại cường. Nhưng các vụ tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn là một mối quan ngại.
Trung Quốc nhận toàn bộ một bang của Ấn Độ là Arunachal Pradesh, là “nam bộ Tây Tạng.” Trung Quốc cũng đưa ra những lời cảnh cáo nghiêm khắc với Ấn Độ và các nước khác về việc thăm dò năng lượng trong vùng Biển Nam Trung Hoa, mà Bắc Kinh và nhiều nước khác đòi chủ quyền. Cựu cố ấn trong Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, ông Michael Green, hiện đang đứng đầu phân bộ về Nhật Bản tại Trung Tâm Nghiên cứu Quốc tế và Sách lược ở Washington. Ông nói xử lý Trung Quốc như một vấn đề kiềm chế là theo đường lối cổ hủ. Nhưng ông nói các nền dân chủ lớn nhất thế giới cần phải gửi một thông điệp rõ ràng cho Trung Quốc.
Ông Green nói: “Hoa Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ khá hơn nếu các nền dân chủ về hàng hải không kiềm chế Trung Quốc. Nhưng nếu chúng ta hợp tác để phần nào bảo đảm rằng trong khi chúng ta đều bành trướng quan hệ với Trung Quốc, thì Bắc Kinh không nên có những kỳ vọng thiếu thực tiễn rằng họ có thể viết lại các quy luật. Có sự khác biệt giữa điều mà các học giả gọi là sự cân bằng ảnh hưởng, trong đó tất cả chúng ta, Nhật Bản, Ấn Độ và Hoa Kỳ muốn có ảnh hưởng trong các cuộc thảo luận ở Trung Quốc. Điều đó rất khác với kiềm chế.”
Các học giả Ấn Độ đang xem xét làm thế nào để quân bình sự nổi lên của Ấn Độ như một siêu cường kinh tế với khả năng ngày càng tăng của họ trong việc tự bảo vệ và phóng quyền lực lên sân khấu thế giới. Ông Hemant Krishan Singh là cựu đại sứ Ấn Độ tại Nhật Bản. Ông nói Ấn Độ nên nới lỏng các luật lệ về quyền sở hữu nước ngoài đối với các hãng sản xuất công nghiệp quốc phòng và cố gắng tiến tới một mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ giống như mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Ông Singh nói: “Nếu có thể mua một máy bay, chế tạo ở Seattle, thì nên để cho Boeing chế tạo nó ở Ấn Độ, hay ít nhất là một số bộ phận của máy bay và một số các phân xưởng sản xuất dây chuyền và nâng cấp ở Ấn Độ. Những điều này là hợp lý và nên làm.”
Trong tuần này, Trung Quốc loan báo ngân sách quốc phòng cho năm tới sẽ vượt quá 100 tỷ đôla lần đầu tiên, vượt xa con số 36 tỷ của Ấn Độ.
Ấn Độ và Trung Quốc đã hình thành các thủ tục để xử lý căng thẳng dọc theo biên giới có tranh chấp trong tuần này. Hai nước cho hay sẽ mở các cuộc họp khẩn và các cuộc hội thoại bằng video để xoa dịu các căng thẳng thỉnh thoảng lại xảy ra. Trong khi đó, giới ngoại giao Ấn Độ ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với Hoa Kỳ và Nhật Bản, theo như bài tường thuật của thông tín viên VOA Kurt Achin từ New Delhi.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1