Một ngày sau khi thượng viện hoãn họp mà không mở cuộc biểu quyết được chờ đợi từ lâu về dự luật chống tham nhũng, chính phủ đang bị chỉ trích kịch liệt.
Dự luật, đã được thông qua tại hạ viện, tìm cách thành lập một cơ quan giám sát độc lập để điều tra tham nhũng trong giới chính trị gia và công nhân viên chức.
Nhưng sau 13 giờ đồng hồ tranh luận gay gắt hôm qua, chính phủ đột nhiên loan báo vào nửa đêm rằng thời gian đã hết và không thể kéo dài phiên họp quốc hội.
Các đảng đối lập nói chính phủ đã cố ý né tránh cuộc biểu quyết vì có nhiều phần chắc sẽ thất bại vào lúc chính các liên minh của chính phủ đã từ chối không ủng hộ dự luật gọi là “Lokpal” này.
Ông Arun Jaitley, người đứng đầu đảng Bharatiya Janata, nói:
“Đây là một hành động được dàn dựng từ hôm qua ... chính phủ này đã có âm mưu tìm cách né tránh một cuộc biểu quyết. Chính phủ không có quyền cai trị đất nước này thậm chí chỉ trong 1 ngày. Chính phủ này đã mất quyền lực chính trị, đã mất quyền lực đạo đức.”
Các đồng minh chính thuộc các đảng phái trong khu vực đã chống đối những phần của dự luật cho phép chính phủ trung ương thành lập một cơ quan giám sát chống tham nhũng tại các bang. Đảng BJP đối lập đã gọi dự luật này là yếu và vô hiệu quả vì cơ quan giám sát không có quyền điều tra độc lập.
Chính phủ đang bênh vực việc hoãn cuộc biểu quyết và nói rằng cần có thời gian để nghiên cứu gần 200 khoản tu chính do các thành viên của thượng viện hay Rajya Sabha đề nghị.
Bộ trưởng đặc trách các vấn đề Quốc hội Kumar Bansal cho rằng dự luật được đề xuất này sẽ không bị quên lãng. Ông nói:
“Dự luật sẽ vẫn nằm trên danh sách chờ cứu xét trong sổ sách của Thượng viện, và sắp tới chúng ta có thể cứu xét và thông qua dự luật.”
Nhà bình luận chính trị kiêm chuyên gia về hiến pháp Subhash Kashyap ủng hộ quan điểm cho rằng chính phủ đã né tránh cuộc biểu quyết để tránh bị lúng túng.
Ông nói số phận của dự luật chống tham nhũng vẫn bất định, và có thể còn bị trì hoãn thêm:
“Dự luật đã bị gác lại. Đây là vấn đề ý chí chính trị về phía chính phủ và về phía các chính đảng. Nếu họ muôn thông qua dự luật Lokpal thì họ đã có thể làm việc đó rồi.”
Trong khi đó, nhà hoạt động chống tham nhũng Anna Hazare, mà cuộc vận động tập thể kéo dài cả năm trường đã thúc đẩy chính phủ thảo ra dự luật, sẽ gặp các ủng hộ viên của ông vào tuần tời để quyết định cách thức tiếp tục phong trào của ông. Họ muốn dự luật được thảo lại để mang tính cách mạnh mẽ hơn.
Ông Hazare đã cắt ngắn cuộc tuyệt thực thực hiện trong tuần này để làm áp lực quốc hội tình trạng vì sức khỏe yếu. Nhưng cuộc phản kháng của ông đã thu hút các đám đông ít hơn nhiều so với các cuộc vận động trước kia, khiến các bình luận gia cho rằng phong trào của ông đã mất đà.
Bình luận gia chính trị Kashyap nói việc không thông qua dự luật chống tham nhũng có thể đem lại sức sống mới cho phong trào. Ông nhận định
“Chủ trương của chính phủ có thể là một sự khích lệ mới cho phong trào, nó có thể làm thức tỉnh lý tưởng, và có thể đem lại một sức sống mới.”
Việc dự luật chống tham nhũng không được thông qua là một cú mới giáng vào đảng Quốc Đại cầm quyền. Chính phủ cũng đứng trước tình trạng bối rối hồi đầu tuần này khi phải rút lại quyết định cho phép các công ty bán lẻ nước ngoài vào Ấn Độ vì sự chống đối chính trị lan rộng.
Tại Ấn Độ, số phận của một dự luật chống tham nhũng đang chưa biết ra sao sau khi thượng viện không thông qua được dự luật. Phe đối lập cáo buộc chính phủ là phá hỏng dự luật, tột điểm đạt được sau nhiều tháng tranh luận chính trị và biểu tình của công chúng trong nước.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1