Một nhóm nghiên cứu quốc tế hàng đầu tuyên bố hai thập niên chế tài của phương tây đối với chính phủ quân phiệt tại Miến Điện đã không đi tới mục tiêu mong muốn, và chỉ gây ảnh hưởng “tiêu cực” đối với những người dân mà họ có ý định bảo vệ.
Nhóm Khủng hoảng Quốc Tế nói trên, gọi tắt là ICG, trong một tường trình đưa ra hôm thứ Hai, đã xem những vụ trừng phạt là một thất bại và chú trọng vào cuộc tuyển cử đầu tiên từ 20 năm của Miến Điện, được tổ chức vào tháng 11 năm ngoái ghi nhận rằng những cuộc bầu cử đó còn quá thiếu sót các tiêu chuẩn dân chủ.
ICG nói rằng dù sao thì các cuộc bầu cử đó cũng đã mở một cánh cửa cho một cuộc đối thoại mới, và có thể đem lại hòa giải cho quốc gia Đông Nam Á này.
Tổ chức ICG, có trụ sở tại Brussels, nói rằng Miến Điện vẫn đang có “nhu cầu khẩn thiết phải thực hiện cải tổ về xã hội, kinh tế và chính trị.”
Nhưng thay vì đề xuất thêm các biện pháp trừng phạt đối với chính phủ độc tài này, ICG kêu gọi gia tăng viện trợ, chấm dứt cấm vận của Mỹ đối với hàng nhập khẩu của Miến và bãi bỏ các hạn chế trong trợ giúp phát triển của phương tây.
ICG cảnh báo rằng sẽ không có lý do để có được những thay đổi đáng kể tại quốc gia nghèo khó này, trừ khi phương tây đem lại cho họ những điều khích lệ.
Bản tuyên cáo của ICG cũng nói tới sự kiện nhà lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi được trả tự do hồi tháng 11.
Những người ủng hộ bà từ đó đã kêu gọi thương thảo với các chính phủ phương tây về việc thay đổi các biện pháp chế tài.
Tuy nhiên, đảng Liên Minh Toàn Quốc Đấu Tranh Cho Dân Chủ của bà Suu Kyi nói rằng bất kỳ sự thay đổi nào cũng phải kết nối với những sáng kiến cải thiện nhân quyền của chính phủ Miến Điện.
Phương Tây cho rằng duy trì chế tài kinh tế và tài chính là cách duy nhất để chính phủ quân sự Miến Điện chịu thừa nhận bà Aung San Suu Kyi và phóng thích các tù nhân chính trị.
Trong khi đó, các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Triều Tiên và Thái Lan phần lớn vẫn làm ngơ lệnh chế tài và vẫn tiếp tục đầu tư vào Miến Điện.