Cơ quan theo dõi hạt nhân Liên Hiệp Quốc theo dự kiến sẽ chính thức kết thúc cuộc điều tra kéo dài hơn một thập niên nay về những cáo buộc cho rằng Iran đã tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân.
Người đứng đầu Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế, ông Yukiya Amano, đã trình phúc trình cuối cùng của ông về vấn đề này lên Hội đồng Quản trị của Cơ quan Nguyên tử năng. Ông Amano nói rằng phúc trình này đã mang lại những câu trả lời rõ ràng về vấn đề Iran có tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân hay không.
Ông nói với Hội đồng Quản trị IAEA: “Trong khi Cơ quan Nguyên tử năng Liên Hiệp Quốc không thể nào dựng lại tất cả các chi tiết của những sinh hoạt hạt nhân của Iran trong quá khứ, cơ quan này có thể xác minh đủ những yếu tố cần thiết để đưa ra một thẩm định về bức tranh toàn cảnh.”
Ông Yamano nói kết luận là Iran đã từng thực hiện “một loạt những hoạt động có liên quan tới việc phát triển một thiết bị nổ hạt nhân”, phần lớn các hoạt động này được thực hiện trước năm 2003. Ông nói các hoạt động ấy không vượt quá giới hạn các cuộc nghiên cứu khoa học, và việc thủ đắc “một số kỹ năng và khả năng về mặt kỹ thuật”.
Theo trông đợi, ông Amano sẽ nói chuyện với các nhà báo sau khi Hội đồng Quản trị chấm dứt phiên họp.
Iran từ lâu vẫn nhấn mạnh rằng chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm các mục đích hoà bình và không hướng tới việc chế tạo vũ khí hạt nhân.
Phúc trình của ông Amano là một phần thuộc một lộ đồ đã được thoả thuận để giải quyết những nghi vấn còn tồn đọng về cuộc điều tra kéo dài, kể cả những lời than phiền mà Cơ quan Nguyên tử năng lặp đi lặp lại nhiều lần rằng Iran không cho họ tiếp cận đầy đủ các địa điểm hạt nhân.
Iran đã đạt thoả thuận với Hoa Kỳ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Đức, theo đó Iran sẽ hạn chế các hoạt động hạt nhân của mình để đổi lấy việc giảm thiểu các biện pháp trừng phạt. Một phần của thoả thuận đó là Cơ quan Nguyên tử năng sẽ kết thúc cuộc điều tra và chứng nhận sự hợp tác của Iran trước khi các biện pháp cấm vận đã áp đặt đối với Tehran có thể được tháo gỡ.
Ông Amano kết thúc phát biểu của ông hôm nay, với lời kêu gọi cả hai bên trong thoả thuận quốc tế thi hành đầy đủ những cam kết của mình.