Chính phủ Hy Lạp đã đệ trình các đề nghị cải cách kinh tế để đổi lấy một kế hoạch cứu nguy của các chủ nợ quốc tế. Nhiều người coi đây là cơ hội cuối cùng cho đất nước nợ nần chồng chất này để đạt được một kế hoạch cứu nguy, hoặc bị trục xuất ra khỏi khối sử dụng đồng euro. Trước một hội nghị của EU bàn về vụ khủng hoảng này dự trù vào ngày Chủ Nhật tới, thông tín viên VOA Henry Ridgwell tường thuật về bầu không khí ở trung tâm Athens.
Bên ngoài Quốc hội Hy Lạp, những người biểu tình ủng hộ EU đã tụ tập tối qua, kêu gọi chính phủ đạt một thỏa thuận và lùi lại trước bờ vực của việc rút ra khỏi khối Euro.
Người đàn ông này nói người Hy Lạp sinh ra là người Âu châu và phải tiếp tục là người Âu châu, bởi vì không có con đường bên ngoài châu Âu.
Chính phủ Hy Lạp đã đệ trình các đề nghị cứu nguy mới ngay trước kỳ hạn là tối thứ Năm. Các đề nghị này sẽ được các nhà lãnh đạo Âu châu duyệt xét trước cuộc họp thượng đỉnh quan trọng ở Brussels ngày Chủ Nhật.
Các chuyên gia phân tích nói hệ thống tài chính cua Hy Lạp sắp sụp đổ. Các ngân hàng sẽ tiếp tục đóng cửa cho đến ít nhất là ngày thứ Hai và việc rút tiền bị hạn chế ở mức 60 euro mỗi ngày. Dòng người xếp hàng ở các máy rút tiền tự động chủ yếu là ôn hòa nhưng rất căng thẳng.
Tại ngôi chợ Varvakios ở Athens, nông phẩm từ khắp Hy Lạp đã được mua bán từ nhiều thế kỷ. Những người bán nói họ chưa bao giờ thấy ngôi chợ này im ắng như thế. Các kiểm soát về vốn có nghĩa là nhiều người Hy Lạp đang tiết chế một trong những thú vui là ăn ngon. Ông Kyriakos có một quầy bán thịt trong chợ.
Ông nói mọi người căng thẳng, bất mãn và đang chờ đợi cho đến phút chót để chính phủ đạt được một thỏa thuận. Ông nói một số người thậm chí còn bàn về việc trở lại sử dụng đồng drachma, nhưng chỉ có Thủ tướng Alexis Tsipras và những người quanh ông mới biết điều gì sẽ xảy ra sau ngày Chủ Nhật.
Nếu không đạt được một thỏa thuận, Hy Lạp có thể bị đẩy ra khỏi khối sử dụng đồng Euro. Chưa biết điều gì sẽ xảy ra đối với giá cả, với người dân, với Hy Lạp. Giữa tình trạng bất định tê liệt này, có sự thách thức.
Người bán cá Giannis Kasidokostas nói cho dù điều gì xảy ra đi nữa, người dân Hy Lạp cũng vẫn sống còn. Ông nói nếu họ cắt đi một cái đầu thì sẽ có 4 cái đầu khác mọc ra. Dân chúng đã sống sót qua Đế chế Ottoman, đã sống sót qua thời kỳ Đức chiếm đóng và không chết vào lúc này.
5 năm khủng hoảng kinh tế đã đem lại thêm một thời khắc lịch sử khác cho Hy Lạp.