Chỉ cần đọc cái tựa thôi là đủ biết người viết thuộc loại cực kỳ ‘sến’. Và người ấy là… tôi!
Vì chính tôi đã đặt tựa đề cho bài viết đầu tiên của tôi theo thể loại ‘travelogue’ y như thế. Nhân dịp tôi sang Hồng Kông lần đầu tiên để làm việc thiện nguyện trong ba tháng hè khi vừa tròn 21 tuổi. Cái tuổi của lắm mơ, nhiều mộng và đặc biệt hơn hết là lúc nào cũng muốn thi vị hóa vấn đề. Ngay cả khi vấn đề chẳng có gì đáng để thi vị. Nói ngắn gọn là ở cái tuổi đó hình như lúc nào tôi cũng hơi bị…marie sến.
Hình như ở cái tuổi đó, lúc nào mình cũng nghĩ là có người đang chăm chú nhìn mình, đang để ý đến những gì mình nói, những điều mình làm. Thành thử mình chẳng bao giờ có đủ sự tự tin để mạnh dạn thực hiện những điều mình mong ước. Mặc dù thực tế cho ta thấy là chẳng có ai thèm ngó ngàng gì đến những thằng nhóc con, nhất là những thằng nhóc con tỵ nạn Việt Nam đang tập làm người lớn như tôi. Khi trên mặt mụn vẫn còn mọc đều và tay chân vẫn còn lỏng khỏng.
Thế mới chán.
Phải chi lúc ấy tôi biết suy nghĩ như bây giờ. Chắc có lẽ tôi đã có nhiều chuyện… người lớn để kể cho các bạn nghe lắm. Không như hiện tại, ngay trong lúc này tôi đang ngồi tại phi trường quốc tế Chek Lap Kok ở Hồng Kông. Và chỉ có thể nhớ về Pam, về bà già luật sư đã đở đầu tôi suốt bao nhiêu năm mãi cho đến khi bà mất. Và những kỷ niệm quá ư là trong sạch của một thời.
Tiếc đến thế!
Thật ra trong thời buổi hiện đại này, ngay cả đối với những người Việt ở trong nước thì việc đi ra ngoại quốc cũng không còn là chuyện khó khăn như trước đây. Đối với những nước nằm trong khối ASEAN như Cambodia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, v.v… thì việc đi qua lại càng dễ hơn vì không ai cần phải xin visa nhập cảnh. Tiền vé máy bay lại ngày càng rẻ hơn, nhiều khi giá vé bay khứ hồi Hà Nội – Bangkok trên hãng AirAsia chỉ độ chừng trên 100 đô, còn rẻ hơn cả tiền thuế và lệ phí sân bay gộp lại.
Bởi thế tôi nghĩ đã có nhiều người Việt Nam ghé sang Hồng Kông thăm viếng. Những độc giả của tôi ở Hải ngoại tôi nghĩ phần lớn cũng đã có dịp đi chơi đó đây nhiều, mỗi lần bay về lại Việt Nam, Hồng Kông hay Đài Bắc lại là hai nơi máy bay thường dừng để hành khách đổi máy bay trước khi bay tiếp.
Vì vậy, hôm nay tôi không muốn nhắc đến những điều mà du khách ai đến Hồng Kông rồi cũng biết. Hoặc mặc dù bản thân chưa bao giờ đặt chân đến Hồng Kông nhưng đã biết về nó khá nhiều. Như đây là nơi mà mọi người thường thích lui tới mua sắm, nhất là giới nhà giàu ở khu vực Đông Nam Á. Hoặc có đến Hồng Kông thì chắc chắn bạn phải bắt xe tram lên The Peak (Đỉnh Núi) vào ban đêm bên khu đảo Hồng Kông để nhìn xuống cả một thành phố rực sáng ánh đèn với hàng trăm, hàng ngàn tòa nhà cái cao cái thấp nằm sát bên cạnh một trong những vịnh biển được cho là đẹp nhất thế giới.
Hay cũng vào ban đêm bạn lần mò sang khu Kowloon để ghé thăm chợ Yau Ma Tei nơi bạn có thể chìm đắm vào thế giới của những người Hoa buôn bán, lao động nghèo. Nơi bạn có thể ăn một tô mì hoành thánh với cái giá chỉ bằng một phần ba giá bên Hong Kong Island. Hoặc chọn cho mình một con rắn. Hay một con rít. Con chồn. Trước khi rải bước đến công viên Yau Ma Tei nằm cuối chợ để nghe tiếng đàn cò, tiếng than vãn, nỉ nôi của những người hát xẩm miệng hát, tay múa y như trong những cuốn phim tàu ngày xưa.
Đúng là Hồng Kông có rất nhiều điều để thu hút du khách. Tuy nhiên hôm nay tôi muốn nhắc đến ba điều mà tôi nghĩ chỉ những ai đã từng ở Hồng Kông lâu dài mới có thể biết được, đặc biệt là những người Việt da vàng mũi không được quá cao như tôi.
Thứ nhất, Hồng Kông lạnh hơn tôi tưởng, nhất là vào mùa đông. Tôi còn nhớ năm đầu tiên tôi đến đây và được sắp xếp vào ở chung với một anh luật sư người Úc ngoài đảo Lantau cách trung tâm thành phố độ chừng một giờ đi phà. Cứ mỗi lần lên phà, sáng đúng 7 giờ, tối về đúng 8 giờ (vì lúc ấy mỗi tiếng mới có một chuyến) là tôi chỉ cảm thấy lạnh. Lạnh đến thấu xương mặc dù so với Melbourne vào mùa đông thì nhiệt độ ở Hồng Kông không xuống thấp bằng.
Có lẽ đó là vì cái lạnh ở trên biển nó khác với trên đất liền. Hồng Kông lại là nơi có khí hậu ẩm thấp hơn những nơi không nằm gần xích đạo như Úc, Mỹ nên tôi có cảm tưởng như mặc dù mình đã mặc áo nỉ, kính cổ cao tường nhưng khí lạnh vẫn có thể chui vào, không cách nào đuổi nó đi được.
Nhưng cũng có thể vì lúc ấy cái áo lạnh tôi đang mặc là thuộc loại dỏm cũng không chừng!
Vì vậy nếu sau này bạn có dịp ghé qua Hồng Kông chơi một vài ngày, nhất là từ khoảng đầu tháng 12 cho đến giữa tháng 2 thì điều mà tôi muốn khuyên bạn là bạn phải nhớ mang theo cho mình nhiều áo lạnh. Hoặc có đủ tiền để mua thêm áo. Đừng để quá nghèo như tôi hay những người tỵ nạn Việt Nam lúc ấy đang bị giam cầm trong trại cấm ngay trên những đảo hoang, bao quanh là biển rộng, gió thổi lồng lộng, lạnh đến rã rời.
Điều thứ hai mà tôi muốn nhắc đến hôm nay là khác với dự đoán của nhiều người, Hồng Kông không phải là nơi lúc nào cũng ồn ào, ở đâu cũng chật chội. Đồng ý là với trên 7 triệu dân sống chun chúc bên nhau trên một hòn đảo Hồng Kông bé tí cộng với khu vực Kowloon bên đất liền cũng chẳng to lớn gì, đây là một trong những nơi có mật độ dân cư cao nhất thế giới.
Tuy nhiên nếu như bạn là người thích tìm đến thiên nhiên, không ngại đường sá xa xôi, biển rộng, đảo xa thì Hồng Kông là một trong những nơi mà bạn có thể sống thoải mái, yên bình nhất bên cạnh những cảnh đẹp hùng vĩ, thơ mộng nhất.
Vì ở đây có rất nhiều núi đồi. Và rải rác đó đây là hàng trăm ngàn đảo lớn nhỏ mà trong những ngày thường ít có ai muốn đặt chân đến. Ngoại trừ những người dân địa phương làm vườn, đánh cá đã định cư ở đó từ bao giờ.
Họ sẽ là người cho bạn thấy một nếp sống rất xa, rất khác với cuộc sống của đại đa số dân Hồng Kông không ngại ở gần, chung đụng với nhiều người khác ở thành phố. Trên những đảo này, Cheung Chau, Lama, hay những làng chài nhỏ như Tai O trên đảo Lautau, mỗi đêm bạn sẽ cảm nhận được sự thanh bình của quá khứ, nghe được tiếng dế rít, ếch kêu bên hiên nhà trước khi tự vỗ mình vào một giấc ngủ không mộng mị.
Hồng Kông có thể là thế đấy bạn ạ.
Nhưng trên hết, đối với tôi, đây cũng là nơi mà lần đầu tiên trong đời tôi đã hoàn toàn bị chinh phục. Vì 2 người đàn bà. Một đã chết. Đó là bà luật sư Pam Baker. Nếu tôi không gặp được bà vào năm tôi 21 tuổi thì chắc chắn một điều cuộc sống của tôi sẽ không phải là những gì tôi biết và tôi có trong hiện tại.
Người thứ hai mà tôi muốn nhắc đến là một người Việt Nam. Cô vẫn sống và vui vẻ với công việc của cô ở Hồng Kông. Từ những thập niên 1960 khi cô từ bỏ công việc làm phóng viên đại diện cho báo Time ở Sài Gòn. Để theo chồng sang Hồng Kông lập nghiệp.
Tôi có nhiều điều muốn nói về cô. Không chỉ vì cô có cái tên rất đẹp. Thôi để hẹn lần tới tôi sẽ kể tiếp bạn hỉ.
* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.