Đường dẫn truy cập

Viện bảo tàng Paris và cuộc triển lãm về con người bị coi là súc vật


Cựu cầu thủ bóng đá Lilian Thuram, người phụ trách cuộc trưng bày ở Paris
Cựu cầu thủ bóng đá Lilian Thuram, người phụ trách cuộc trưng bày ở Paris

Một cuộc trưng bày của viện bảo tàng Quai Branly tại Paris đã đi vào một trong những khía cạnh đen tối nhất của chế độ thuộc địa tây phương - trưng bày con người dưới hình thái như súc vật. Ngay tới thập niên 1950, những người châu Phi, châu Á và châu Mỹ vẫn được trưng bày trong các gánh xiếc, các hội chợ và các cuộc trưng bày những người có hình thái khác thường. Cuộc triển lãm đã đưa ra ánh sáng những nguồn gốc của tình trạng kỳ thị chủng tộc và thành kiến ngày hôm nay.

Những người mập, những người đồng tính, những người tật nguyền, những người thuộc bối cảnh tôn giáo và sắc tộc khác nhau, tại sao chúng ta lại phân biệt họ? Kỳ thị chủng tộc đã diễn tiến như thế nào?

Viện bảo tàng Quai Branly tại Paris đã soi rọi vào những thành kiến của chúng ta ngày hôm nay bằng cách đi ngược dòng thời gian về một quá khứ không mấy xa, khi tại châu Âu và Hoa Kỳ con người bị đem trưng bày như súc vật, cho mọi người xem.

Hàng ngàn người đã đến xem cuộc triển lãm có tên là “Sở Thú Loài Người: Sự Phát Minh Man Rợ,” sẽ kéo dài đến hết tháng Sáu.

Đồng giám đốc cuộc trưng bày, bà Nanette Snoep nói việc đem con người ra trưng bày không có gì mới:

”Ngay cả từ thời cổ đại, người Ai Cập đã cho trưng bày những người lùn bắt từ Sudan đem về. Vì thế đây là một chuyện xưa như trái đất.”

Dân châu Âu bắt đầu đem trưng bày những người khác lạ bị coi như súc vật sau khi nhà thám hiểm Christopher Columbus thực hiện cuộc hành trình đến châu Mỹ vào thế kỷ thứ 15.

Bà Snoep cho biết tiếp: ”Nhưng đến thế kỷ thứ 19 thì chuyện đem con người ra trưng bày như súc vật thực sự trở thành một trò giải trí, một công cuộc kinh doanh, đem những người khác lạ và hầu hết từ những quốc gia thuộc địa ra trưng bày. Những người như vậy bị đem trưng bày ở sở thú, ở các hội chợ quốc tế và hội chợ thuộc địa, nó cũng là một cách để biện minh cho kế hoạch thuộc địa.”

Những người từ khắp nơi trên thế giới được đem ra trưng bày, có cả “Thần Vệ Nữ Hốt Tăng Tốt” từ Nam Phi, lần đầu tiên được đem trưng bày ở châu Âu vào đầu thế kỷ thứ 19, (phụ nữ này thuộc sắc dân thổ sinh Khoikhoi của Nam Phi, có cặp mông to quá khổ) 6 năm sau bà đã chết. Những người khác, như một người đàn ông Togo có tên là Nayo Bruce, thu lợi nhờ hiện tượng này. Bà Snoep giải thích tiếp:

”Ông đến Berlin vào đầu thập niên 1890 và chẳng mấy chốc đưa ra ý tưởng 'tôi sẽ là một doanh nhân, tôi sẽ là xã trưởng của một xã của riêng tôi.' Thế rồi ông tổ chức một làng của người Togo, đại loại như vậy, cùng với bạn bè người Togo và gia đình ông, đi trưng bày khắp nơi ở châu Âu trong 20 năm.”

Những người bị dị tật cũng được đem trưng bày. Họ bị coi là những quái vật hay những người man rợ.

Cư dân Paris, ông Pascal Phenix, đi xem cuộc triển lãm Quai Branly vào một buổi chiều mới đây, cảm thấy không ổn chút nào khi biết được con người bị đem ra trưng bày như súc vật. Ông nói trước đây ông không hề biết là những người đem trưng bày lại bị nhốt trong cũi tách họ ra khỏi khách xem.

Cuộc triển lãm của viện bảo tàng Quai Branly được thực hiện nhờ ý tưởng của cựu cầu thủ bóng đá nổi tiếng Lilian Thuram của Pháp. Là dân thổ sinh của hòn đảo Guadeloup trong vùng biển Caribê, ông Turam đứng đầu một hiệp hội để giáo dục công chúng chống lại nạn kỳ thị chủng tộc. Ông nói những cuộc trưng bày con người như súc vật củng cố cho những lý thuyết về nguồn gốc loài người được các nhà nhân chủng học triển khai vào thế kỷ thứ 19.

Ông cho biết theo các “lý thuyết khoa học” này, giống da trắng được coi là vượt trội hơn cả. Sau đó, thứ tự xuống dần qua các chủng tộc khác, và dưới cùng là “chủng tộc da đen,” được coi là một gạch nối giữa loài khỉ và loài người. Ông nói những lý thuyết đó vẫn còn âm vang tới ngày nay. Ông Thuram từng nghe những người la lên,bắt chước tiếng kêu của loài khỉ tại các trận đá bóng khi thấy các cầu thủ da đen ra sân cỏ.

Ông Thuram hy vọng cuộc triển lãm của viện bảo tàng ở Paris giúp mọi người hiểu ra rằng kỳ thị chủng tộc là sản phẩm giả tạo của tri thức được hình thành và mở rộng qua dòng lịch sử và rằng nó cũng có thể được gỡ bỏ.

Những vụ trưng bày con người như súc vật cho những ai hiếu kỳ đến xem đã bắt đầu bớt dần từ khoảng thập niên 1930 khi sự chú ý của công chúng bắt đầu chuyển sang phim ảnh và những hình thức giải trí khác.

Nhưng cuộc triển lãm tại viện bảo tàng Quai Branly đưa chúng ta tới ngày hôm nay với một phim video về những người “khác lạ” vì bề ngoài của họ, về cảm xúc của họ hay ý nghĩ của họ.

Những thành kiến vẫn còn đó, và ông Thuram hy vọng cuộc triển lãm này sẽ giúp chúng ta suy nghĩ sâu xa về nguồn gốc của chính con người chúng ta.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG