Đường dẫn truy cập

Nạn buôn người ảnh hưởng tới các thanh niên khỏe mạnh Campuchia


Nạn buôn người ảnh hưởng tới các thanh niên khỏe mạnh Campuchia
Nạn buôn người ảnh hưởng tới các thanh niên khỏe mạnh Campuchia

Mỗi khi nói tới nạn buôn người chúng ta nghĩ ngay tới việc mua bán phụ nữ và trẻ em. Nhưng ở Campuchia tệ nạn này còn ảnh hưởng tới những thanh niên khỏe mạnh. Theo tường thuật do thông tín viên Robert Carmichael của đài VOA gởi về từ Phnom Penh, nhiều thanh niên Campuchia phải làm việc như nô lệ trên các tàu đánh cá Thái Lan và Malaysia.

Nhiều thanh niên Campuchia đã thuật lại những câu chuyện thương tâm của nạn nô lệ thời nay trên những tàu đánh cá Thái Lan và Malaysia.

Ông Manfred Hornung, cố vấn pháp lý của tổ chức nhân quyền Licadho ở Campuchia, cho biết rằng tuy không có số liệu chính xác nhưng trong vài năm gần đây có thể có tới hàng ngàn thanh niên Campuchia đã bị mang bán cho các tàu đánh cá trong khu vực.

Tổ chức Licadho đã phỏng vấn hơn 60 thanh niên từng làm việc như nô lệ trên các tàu đánh cá Thái Lan từ năm 2007, và cảnh ngộ của họ thường có những điểm giống nhau vào lúc bắt đầu/

Ông Hornung nói: "Thông thường, những thanh niên này được tiếp xúc bởi một người môi giới ở địa phương. Người môi giới thông qua những mối liên hệ của họ ở một xã hay một làng để gặp gỡ một nhóm thanh niên và thuyết phục những người đó trốn sang Thái Lan. Trong hầu hết các trường hợp, người môi giới không nói cho các thanh niên đó biết là họ sẽ phải làm việc trên tàu đánh cá."

Thay vào đó, họ được hứa hẹn những công việc trong ngành xây dựng hoặc ở các nông trại. Sau đó, họ được đưa lậu vào Thái Lan.

Ông Hornung cho biết sau khi tới Thái Lan những thanh niên Campuchia bị bắt nhốt rồi bị mang bán cho những chủ tàu đánh cá.

Theo ông Hornung, các nạn nhân phải làm việc trên những tàu đánh cá đó không khác gì nô lệ nhưng khó lòng trốn thoát vì viên thuyền trưởng và các thuyền viên người Thái có trang bị súng ống.

Các nạn nhân phải làm việc không ngừng tay và chỉ được ngủ 2 hoặc 3 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Họ thường xuyên bị đánh đập và bị ép dùng thuốc kích thích để hăng hái làm việc.

Ông Hornung cũng nghe kể lại một số trường hợp những người bệnh bị ném xuống biển.

Tình trạng những nguồn cá gần bờ bị cạn kiệt đã buộc nhiều tàu đánh cá phải hoạt động ngoài khơi trong nhiều tháng liên tiếp và chỉ cập vào những thuyền mẹ để chuyển số tôm cá đánh được chớ không vào bờ. Điều này khiến cho những người nô lệ không thể bỏ trốn.

Ông Hornung nói: "Trong một trường hợp mà chúng tôi đang xử lý có một thanh niên đã ở trên tàu liên tục trong 3 năm mà không nhìn thấy đất liền. Trong thời gian 3 năm đó anh ta bị bán từ tàu này sang tàu khác ở ngoài khơi. Và những trường hợp như vậy xảy ra khá thường xuyên. Thời gian mà những thanh niên đó phải làm nô lệ trên tàu có thể kéo dài từ 3 tháng cho tới vài năm."

Ông Hornung cho biết thêm rằng trong số 60 người mà tổ chức Licadho phỏng vấn không có người nào được trả lương cho công việc mà họ làm trên tàu đánh cá.

Các chuyên gia về tệ nạn buôn người cho biết rằng tình trạng nghèo túng là nguyên do chính của phần lớn những vụ buôn người ở Campuchia.

Bà Louise Rose là một viên chức bảo vệ nạn nhân của Quĩ Á châu. Bà cho biết một cuộc nghiên cứu về 258 thanh niên Campuchia, hầu hết là những người làm việc trên các tàu đánh cá nước ngoài, cho thấy rằng có phân nửa phải kiếm việc làm ở nước ngoài vì nợ nần.

Bà Rose cho biết thêm rằng còn có hai yếu tố khác quan trọng hơn:

Bà Rose nói: "Không đủ ăn là một yếu tố rất lớn. Trong số các nạn nhân có đến 3 phần tư nói rằng họ phải di dân vì không có đủ lương thực. Và có một yếu tố khác còn quan trọng hơn nữa, đó là không có nguồn thu nhập. Số người lâm vào tình trạng này chiếm tới 78%."

Trong số những đối tượng của cuộc nghiên cứu của Quĩ Á châu, có đến 20% nói rằng họ đã làm việc như nô lệ trên các tàu đánh cá Thái Lan và Malaysia.

Công nghiệp đánh cá của Thái Lan mang về cho vương quốc này nhiều tỉ đô la mỗi năm, và đây là một hoạt động cần có nguồn cung ứng lao động giá rẻ.

Những câu chuyện của một số thanh niên Campuchia cho thấy rằng những tay môi giới bất lương và những người chủ tàu táng tận lương tâm sẵn sàng làm bất cứ điều gì để thỏa mãn đòi hỏi đó.

Những tổ chức chống nạn buôn người cho rằng các thức giải quyết vấn đề này là các chính phủ trong khu vực phải nỗ lực nhiều hơn nữa để bảo vệ công nhân di trú và trừng trị những kẻ ngược đãi các công nhân này.

Tuy nhiên, họ nói rằng, điều này không hề xảy ra. Họ cho biết rằng luật lệ chống buôn người ở Campuchia không đủ nghiêm khắc, và nếu các luật lệ cùng với công tác chấp hành luật pháp không được cải thiện thì nhiều thanh niên ở đây sẽ phải tiếp tục đối mặt với những mối rủi ro của nạn cưỡng bách lao động ở nước ngoài.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG