Đường dẫn truy cập

Kỷ niệm nho nhỏ về 4 năm ấy ở Huế


Cầu Tràng Tiền.
Cầu Tràng Tiền.

Phan Thành Khương

Trong 4 năm ấy, 4 năm học tại Trường Đại học Sư phạm Huế (1970-1974), ký ức của tôi đã lưu lại nhiều điều mà mãi sau gần 40 năm (1974 - 2013), tôi vẫn còn nhớ rõ. Tôi xin được chia sẻ mấy kỉ niệm nho nhỏ sau đây:

1. Lạnh tê cóng hai bàn tay: Năm học thứ nhất, tôi ở tại Cư xá Huỳnh Thúc Kháng (cơ sở báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng). Cư xá này dành cho sinh viên Quảng Nam ra học tại cố đô. Năm đó, Huế lạnh 11 độ. Tôi chẳng có áo ấm. Khi qua cầu Trường Tiền, gió buốt, tôi run cầm cập. Đến lớp, thầy giảng, các bạn ghi chép, tôi chẳng tài nào viết được. Hai bàn tay cứng đơ. Tôi khoanh tay, kẹp hai bàn tay trong nách mãi cho tới khi ... hết giờ học!

2. Đi khiếu kiện ở dinh tỉnh trưởng: Hôm nọ, đi học về thì biết tin cảnh sát vào Cư xá Huỳnh Thúc Kháng, đánh đập anh em sinh viên ở đây. Chúng tôi làm ngay một băng rôn “Phản đối cảnh sát vô cớ đánh đâp sinh viên”. Tôi là một trong hai người cầm băng rôn, chúng tôi kéo qua dinh tỉnh trưởng, đòi gặp Tỉnh trưởng để yêu cầu giải quyết vụ việc. Lính gác không cho vào. Tranh cãi một hồi, họ bảo cử đại diện vào gặp Tỉnh trưởng. Cuối cùng, ông Tỉnh trưởng đã xin lỗi và hứa chăm sóc các bạn bị đánh. Có lẽ ai đó đã mật báo gì đấy với cảnh sát?

3. Bơi qua sông Hương: Năm thứ hai, tôi chuyển qua ở tại Cư xá Đội Cung (số 2 đường Đội Cung). Chiều hôm ấy, đi học về, trời rất nóng nực, cúp nước, anh em rủ ra sông tắm. Có bạn nói “Đứa nào bơi qua sông, tao đãi một li chè thập cẩm”. Tôi, tuy không thích chè thập cẩm nhưng cũng muốn thử sức mình. Tôi cũng đã nhiều lần bơi qua bơi lại trên sông Thu Bồn ở Quảng Nam hồi còn học lớp Đệ thất, Đệ lục. Và, tuy có hơi mệt vì khúc sông ở trước Trường Đại học Sư phạm Huế khá rộng, cũng bơi qua bơi lại an toàn.

4. Suốt tuần ngồi đánh máy chữ: Thầy Nguyễn Văn Dương có nhiều sách hay. Có những cuốn sách do Giáo sư Hoàng Xuân Hãn từ Pháp gửi về cho thầy. Thầy Dương giao cho tôi đánh máy để sao lại. Đánh mỗi lần 6 bản trên giấy pơ-luya (papier pelure) với 5 tờ giấy than. Tôi ngồi đánh máy suốt tuần như thế mới xong cuốn “Tú Xương, con người và nhà thơ” của Trần Thanh Mại và Trần Tuấn Lộ (xuất bản ở ngoài Bắc). Và, dĩ nhiên, thầy cho tôi một bản.

5. Nghe giới thiệu hai ca khúc mới của Trịnh Công Sơn: Hôm ấy, được tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giới thiệu hai ca khúc mới tại Trung tâm Liễu Quán, tôi đến dự. Trịnh Công Sơn gầy, dong dỏng cao, kính cận. Anh không hát, chỉ giới thiệu: “Đây là hai ca khúc tôi mới viết vừa ráo mực, mời các anh chị nghe”. Đó là các ca khúc “Cõi tạm” và “Biết đâu nguồn cội”. Tôi thấy, lúc này, Trịnh Công Sơn đã chịu ảnh hưởng tư tưởng nhà Phật khá sâu đậm.

6. Dự lễ trao trả tù binh: Chiều hôm đó, năm 1973, khoản 14-15 giờ, tôi từ Thư viện Đại học về cư xá (lúc này tôi đã chuyển lên ở Cư xá Nam Giao), đến trước Bệnh viện trung ương Huế, tôi gặp một chiếc GMC đứng bên đường. Bên hông xe, có giăng một băng rôn “Phái đoàn Viện Đại học Huế dự lễ trao trả tù binh”, trên xe có 3 bạn sinh viên. Tôi nói “tôi đi với được không?”. Họ bảo “Được, lên xe”. Tôi lên xe và xe chạy lên Viện Đại học. Vài người nữa lên xe, xe quay đầu và thẳng đường ra Quảng Trị. Thành phố Quảng Trị, bên bờ sông Thạch Hãn, chỉ còn là một bãi gạch vụn! Tuy nhiên, màu xanh cây cối đã phủ kín mọi nơi. Rau tàu bay, rau sam, chuối, đu dủ, ... rất xanh tốt. Xe đến sát bờ sông. Cầu Thạch Hãn đã gãy đổ. Cờ xí dày đặc hai bên bờ sông: phía bờ bắc là cờ đỏ sao vàng, cờ xanh đỏ sao vàng và câu khẩu hiệu “Không có gì quí hơn độc lập, tự do”; phía bờ nam là cờ vàng ba sọc đỏ và câu khẩu hiệu “Hoan hô các chiến sĩ trở về từ ngục tù cộng sản”. Tù binh được chở bằng ca nô từ bờ Nam qua bờ Bắc và ngược lại. Tù binh miền Bắc mặc quần áo màu đà, tù binh miền Nam mặc quần ka ki vàng áo trắng. Các chiếc ca nô nhỏ, mỗi lần chỉ chở được 6-7 tù binh. Ngoài bộ quần áo mặc trên người, mỗi tù binh đều có một túi xách nhỏ. Ra giữa sông, tù binh hai bên đều vứt túi xách xuống sông, cởi quần áo vứt luôn xuống sông (may là họ vẫn giữ lại cái quần đùi). Tôi nghĩ là họ quyết không thèm lấy, không thèm dùng bất cứ thứ gì của địch? Dòng sông, vì thế, đầy cả quần áo, túi xách của tù binh hai miền. Gần 1500 tù binh hai miền được trao trả hôm ấy. Nhá nhem tối mới xong việc trao trả. Chúng tôi lên xe GMC để về lại Huế.

7. Trồng rau lang để ăn quanh năm: Đại học xá Nam Giao khá rỗng rãi, đất trống rất nhiều. Tôi và hai bạn cùng phòng đã vun một vồng khoai dài cả trăm mét. Chúng tôi mua dây khoai lang về trồng. Chỉ vài tháng sau đã có rau để luộc. Cứ cắt từ đầu A đến đầu B, cắt đến cuối đầu B thì đầu A đã xanh tốt rồi, có thể cắt để luộc được rồi. Đó là một luống rau lang để ăn quanh năm.

Còn nhiều kỉ niệm nữa nhưng xin hẹn một dịp khác. Tôi xin khép lại ở đây và xin được khẳng định rằng: những năm tháng học tập ở Trường Đại học Sư phạm Huế là những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời tôi.

Ninh Thuận, 05-12-2012

PHAN THÀNH KHƯƠNG

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG