Huawei đủ sức mạnh để sống khỏe trước sức ép của Mỹ và các đồng minh nhưng dịch bệnh Covid-19 càng kéo dài chừng nào thì tham vọng bành trướng khắp thế giới của họ càng gặp nhiều bất lợi chừng đó, một chuyên gia nhận định với VOA.
Tập đoàn viễn thông khổng lồ này của Trung Quốc đồng thời là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới vừa chịu một cú sốc khi nước Anh quyết định loại họ khỏi mạng viễn thông 5G của Anh dù trước đó Anh cho phép họ tham gia đến 35% thị phần.
Trước đó, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và lo ngại về nguy cơ các thiết bị của Huawei bị sử dụng cho mục đích gián điệp, Washington đã đưa Huawei vào danh sách đen – tức bị hạn chế mua bán các thiết bị điện tử với các công ty Mỹ. Tập đoàn này cũng không được sử dụng hệ điều hành Android của Google cho các mẫu điện thoại thông minh của họ.
‘Tiềm lực rất mạnh’
Giáo sư-Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, người giảng dạy chương trình Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh tại Keller Graduate School of Management, người theo dõi chặt chẽ tình hình kinh doanh của Huawei trong nhiều tháng qua, nhận định rằng hiện giờ Huawei ‘vẫn rất khỏe mạnh.’
Theo giải thích của ông, Huawei là một tập đoàn khổng lồ với 180.000 nhân viên, lợi tức một năm vào khoảng 125 tỷ đô la, trong đó lợi nhuận khoảng 10 tỷ đô la. Tiềm lực họ mạnh như vậy nên không dễ dàng suy sụp.
Trong nửa đầu năm 2020, mặc dù bị Mỹ cấm vận cộng với sự hoành hành của dịch bệnh Covid-19 nhưng lợi tức của Huawei vẫn tăng 13% và lợi nhuận tăng 9%, ông Lộc cho biết.
“Thành ra bị cấm vận hay không thì tương lai hay sự khánh tận của Huawei không phải là vấn đề, mà vấn đề là tham vọng bành trướng của họ có thực hiện được hay không,” ông bình luận.
Về lợi tức của Huawei đến từ đâu trong bối cảnh kinh doanh khó khăn như vậy, Giáo sư Lộc nói, Huawei không công bố nhưng ông đoán rằng có thể là do trong nửa đầu năm nay, hãng này ‘đã lắp đặt và thiết kế 500 trạm phát sóng 5G cho nhiều quốc gia khác nhau’.
Chính phủ Trung Quốc cũng tăng mua thiết bị của Huawei rất nhiều và người dân nước này, vốn đa số sử dụng điện thoại trong nước, cũng tiêu thụ điện thoại thông minh của Huawei rất nhiều, Tiến sĩ Lộc nhận xét.
Bên cạnh đó, do điện thoại thông minh của Huawei rẻ hơn iPhone của Apple nên ‘người dân các nước vẫn mua nhiều’.
Tuy nhiên, việc Anh đá Huawei ra khỏi thị trường viễn thông 5G của họ ‘đã ảnh hưởng rất nhiều đến tham vọng bành trướng của Huawei’. Thay vào đó, hãng viễn thông này sẽ tiếp tục ‘chiêu dụ các nước thế giới thứ ba sử dụng thiết bị 5G của họ’.
Ngoài Anh, mới đây Pháp mặc dù trấn an Trung Quốc rằng họ không cấm Huawei tham gia phát triển mạng 5G ở Pháp, nhưng Paris đã bắt đầu giảm dần việc cho phép các hãng viễn thông Pháp sử dụng thiết bị của Huawei. Còn Đức thì vẫn đang cân nhắc cho Huawei tham gia đến đâu vào mạng 5G của họ.
‘Đi trước thế giới’
Khi được hỏi tại sao các nước phương Tây lại lệ thuộc vào công nghệ 5G của Huawei, Giáo sư-Tiến sĩ Khương Hữu Lộc cho rằng trong lĩnh vực này, hãng công nghệ Trung Quốc đã ‘đi trước thế giới khoảng 2, 3 năm’.
“Họ đã bành trướng khắp thế giới từ cả chục năm nay rồi với các mạng 3G, 4G rồi,” ông nói. “Giờ chuyển qua 5G chỉ cần 2 năm thôi. Họ đã có sẵn hệ thống máy móc, giờ nâng cấp lên rất dễ vì không cần thay đổi hoàn toàn.”
Ông cho biết trên lĩnh vực này, Mỹ đi sau vì không có chiến lược quốc gia để phát triển mạng 5G như Trung Quốc mà giao hoàn toàn cho các hãng tư nhân. Trong khi các hãng tư nhân cảm thấy quá tốn kém và mất nhiều thời gian ‘nên bỏ dở giữa chừng’.
“Ví dụ muốn phát triển vaccine cho Covid-19, chính phủ Mỹ bỏ ra 2 tỷ đô la tài trợ thì các hãng dược tư nhân họ làm nhanh lắm. Đằng này chính phủ Mỹ không đặt trọng tâm vào mạng 5G thì các công ty tư nhân họ không bỏ cả tỷ đô la ra để phát triển một cái mà trong 5 năm trời chưa chắc thành công,” ông giải thích.
Trong khi đó, Huawei bên cạnh tiềm lực mạnh, họ còn được sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc và ‘khả năng nghiên cứu, phát triển của họ cũng rất mạnh’.
“Huawei là công ty rất lớn, mình không thể coi thường. Thứ nhất là khả năng nghiên cứu của họ. Tiền tài họ có rất nhiều, bảng cân đối kế toán (balance sheet) của họ rất là vững chắc,” Giáo sư Lộc cho biết.
Tuy nhiên, ông lưu ý Huawei lớn mạnh được như vậy cũng dựa vào sự cung cấp, học hỏi thậm chí là 'đánh cắp' các công nghệ của phương Tây.
Việc Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen chỉ gây khó khăn cho họ lúc đầu vì giờ đây các hãng sản xuất chip của Mỹ đã lách được lệnh cấm để tiếp tục cung cấp cho Huawei nếu những mặt hàng có nhiều hơn 2/3 thành phần được sản xuất bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ.
Theo lời ông, thì việc Mỹ ‘cấm cửa’ Huawei cũng đem lại thiệt hại cho các hãng sản xuất chip của Mỹ vì doanh số hàng năm họ bán cho Huawei lên đến 11 tỷ đô la.
Không những thế, với việc không sử dụng thiết bị của Huawei cho mạng 5G thì Mỹ phải có cách tài trợ cho các công ty viễn thông Mỹ chuyển sang sử dụng các nhà cung cấp khác vốn đắt đỏ hơn rất nhiều.
Bên châu Âu khi chuyển đổi nhà cung cấp cũng phải trả cái giá đắt hơn như vậy, ông cho biết, nhưng bù lại ‘không sợ nguy cơ bị gián điệp,’ Tiến sĩ Lộc nói.
Chọn Trung Quốc hay Mỹ?
Trong bối cảnh đang bị Mỹ và phương Tây tẩy chay, Huawei vẫn có thể tiếp tục phát triển mạng 5G cho các nước thế giới thứ ba bất chấp áp lực của Mỹ, theo nhận định của vị giáo sư này.
“Thứ nhất, các nước này không có tiền để lắp đặt thiết bị của những quốc gia tân tiến như của Nhật hay châu Âu, trong khi Huawei đưa vào rất rẻ,” ông phân tích. “Họ đã xài mạng 3G, 4G của Huawei lâu nay rồi, giờ đổi lại rất tốn kém.”
Trong tương lai, phần lớn nền kinh tế thế giới, trong đó có hệ thống giao thông vận chuyển hàng hóa, sẽ được kết nối với mạng 5G nên các nước đang phát triển ‘đang cảm thấy áp lực phải sớm đi vào mạng 5G để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nếu không sẽ bị loại ra ngoài’.
Với những nước đang gặp khó khăn vì kinh tế do dịch bệnh, Tiến sĩ Lộc nói, Bắc Kinh ‘sẵn sàng cho vay mượn không lấy lãi, thậm chí không hoàn lại, để đầu tư phát triển mạng 5G’. “Những nước này sẽ tiếp tục xài mạng 5G của Trung Quốc, Mỹ không thể chặn lại được.”
Ông Lộc dẫn chứng chẳng hạn như Campuchia xài thiết bị 5G của Trung Quốc có giá ‘rẻ hơn khoảng 40%’ so với thiết bị của Ecrisson của Thụy Điển.
“Huawei không nhất định cần có lời mà chỉ cần các nước chấp nhận để họ có thể bành trướng mà thôi,” ông phân tích.
Tuy nhiên, những nước nào dùng thiết bị của Huawei sẽ ‘gặp một rủi ro lớn’ là sẽ không được làm ăn, ký hợp đồng hay hòa vào hệ thống thiết bị của các công ty Mỹ.
Chẳng hạn như các hợp đồng của Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ yêu cầu không được dùng bất cứ thiết bị nào của Huawei, nên nếu các hãng của các nước có sử dụng Huawei sẽ không được trúng các gói thầu của Bộ Quốc phòng Mỹ, chuyên gia này nêu rõ.
“Chọn Huawei giống như giữa chơi với Mỹ và chơi với Trung Quốc anh phải chọn một vậy,” ông nói.
‘Covid-19 gây bất lợi’
“Covid làm cho thế giới ngưng lại, cho nên sự bành trướng của Huawei, việc Huawei chiêu dụ các nước đi vào hệ thống của họ bị chậm lại nguyên năm nay,” Giáo sư Lộc nói thêm.
Trong bối cảnh Mỹ và phương Tây bị Huawei bỏ lại phía sau, thì thời gian Huawei bị chậm lại ‘rất quý giá’ để họ có thể đuổi kịp Huawei về công nghệ và giá thành. Khi đó, họ mới có thể cạnh trạnh được với Huawei, ông nói.
“Hai năm bị chậm lại là thời gian hoãn binh để cho các nước phát triển 5G.”
Ngoài ra, trong khoảng thời gian ngưng trệ đó, các nước chuẩn bị xài thiết bị của Huawei ‘có thể cân nhắc lại’ thiệt hại của việc sẽ không được làm ăn tiếp với Mỹ với lợi ích mà Huawei mang lại.
“Trong thời gian hoãn binh đó, Mỹ có thể gây áp lực về công nghệ với những nước này để họ thấy rằng nếu đi vào 5G với Trung Quốc có rẻ hơn10-20 % đi nữa nhưng có thể mất đi đến 40-50% lợi ích với Mỹ,” Giáo sư-Tiến sĩ Khương Hữu Lộc phân tích.
“Càng hoãn binh chừng nào thì Huawei càng bất lợi chừng đó.”