Human Rights Watch ngày 12/1 lên án chính sách đối xử tồi tệ và khắc nghiệt của Australia với người tị nạn tại các trại giam ngoài khơi nước này. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế nói Australia đã gây những tổn thương lâu dài cho người tị nạn và làm tổn hại uy tín một quốc gia có tiếng là tôn trọng nhân quyền.
Trong chương nói về Australia của phúc trình toàn cầu hàng năm, Human Rights Watch cho biết điều kiện sống trong các trại giam thật khắc nghiệt và những người bị giam giữ “thường xuyên bị bạo hành, đe dọa và sách nhiễu.”
Theo luật lệ của Australia, bất cứ người nào bị bắt giữ trong lúc tìm đường vượt biển tới nước này đều bị chuyển ra các trại tị nạn trên đảo quốc Nauru ở Thái Bình Dương và trên đảo Manus ở Papua New Guinea trong quá trình chờ xử lý. Những người này không bao giờ được tái định cư tại Australia.
Một nữ phát ngôn viên của Cục Di trú khi được hỏi về bản phúc trình đã từ chối bình luận nhưng nhắc lại tuyên bố trước đây là điều kiện sống trong các trại giam là thích đáng và rằng đây là trách nhiệm của Nauru và Papua New Guinea.
Hai chính phủ này chưa lên tiếng bình luận tức thời trước tố cáo của Human Rights Watch.
Vào tháng 11 năm ngoái, Australia đồng ý với Mỹ về việc tái định cư một số người tị nạn ở các trại ở Nauru và Papua New Guinea, đổi lại, Australia nhận những người tị nạn thuộc Trung Mỹ. Tuy nhiên những bình luận liên hệ của Tòa Bạch Ốc làm dấy lên nghi ngờ rằng tân chính quyền mới của Mỹ có thể không xúc tiến thỏa thuận này.
Human Rights Watch nói sự sắp xếp này không đưa ra giải pháp cho bất cứ trường hợp nào và rằng Australia nên đóng cửa các trại giam và bảo vệ người tị nạn tốt hơn.
Chính sách khắc nghiệt của Australia đã bị Liên hiệp quốc và những tổ chức nhân quyền quốc tế khác chỉ trích mạnh mẽ giữa những cuộc tranh luận toàn cầu là làm thế nào xử lý con số khổng lồ những người tị nạn phải rời bỏ nhà cửa vì chiến tranh.
Những chính phủ Australia kế tiếp đã ủng hộ chính sách này mà họ cho là cần thiết để chặn đứng những người tị nạn bị chết đuối trên biển trong các cuộc hải hành nguy hiểm.
Theo Dữ liệu về con số người chết trên biên giới Australia của trường đại học Monash, có hơn 1.990 người tị nạn chết đuối trên đường đến Australia kể từ tháng 1 năm 2000.
Hơn 1/3 trường hợp tử vong xảy ra từ năm 2007 đến năm 2012, khi Australia ngưng chương trình giam giữ ngoài khơi nước này, trong đó có một tai nạn vào năm 2010 với 50 người thiệt mạng khi con tàu của họ va vào đá tại đảo Christmas.
Tai nạn này làm chấn động công luận về chính sách giam giữ ở bên ngoài Australia. Chính sách này được hai đảng và công luận tại Australia ủng hộ.
Human Rights Watch cũng chỉ trích Papua New Guinea về sự tàn bạo của cảnh sát, sau khi các nhân viên cảnh sát nổ súng vào các sinh viên biểu tình vào tháng 6 năm ngoái.
Human Rights Watch nói thêm là Papua New Guinea cũng là “một trong những nơi nguy hiểm nhất trên thế giới đối với phụ nữ,” và chính phủ nước này đã không giải quyết được nạn tham nhũng .
Australia và Papua New Guinea đồng ý đóng cửa trại giam trên Đảo Manus, nhưng không cho biết thời điểm cụ thể và hiện trại này vẫn còn mở cửa. Trại này giam 871 người và trại Nauru hiện giữ 383 người, theo thống kê mới nhất được Australia công bố vào tháng 11 năm ngoái.