Hong Kong ngày 6/7 công bố thêm chi tiết về luật an ninh quốc gia Trung Quốc mới áp dụng cho cựu thuộc địa Anh, cho biết lực lượng an ninh có quyền vào lục soát nhà cửa để tìm bằng chứng và ngăn mọi người không được rời khỏi Hong Kong.
Hong Kong được trả lại Trung Quốc ngày 1/7/1997 theo công thức “một quốc gia, hai hệ thống” đảm bảo sự tự trị và tự do mà người dân Hoa lục không được hưởng, trong đó có độc lập tư pháp.
Tuy nhiên theo luật mới của Trung Quốc, các tội ly khai và xúi giục bạo loạn sẽ bị phạt đến tù chung thân, gây nên những quan ngại về một kỷ nguyên chuyên chế hơn trong một thành phố vốn đã xáo trộn vì những cuộc biểu tình chống Trung Quốc trong năm qua.
Trong khi nhà cầm quyền Bắc Kinh và Hong Kong đều cho rằng luật chỉ nhằm vào một thiểu số họ gọi là “những người gây rối”, các nhà ngoại giao, các tổ chức doanh thương và những nhà hoạt động nhân quyền nói đây là ví dụ mới nhất về việc Bắc Kinh siết chặt kiểm soát lên thành phố này.
Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hong Kong, một trung tâm tài chánh và thương mại quan trọng, dù có sự phản đối của người Hong Kong và các nước phương Tây.
Những chi tiết của luật mới nói rằng nhà chức trách có quyền xâm nhập và lục soát để tìm bằng chứng. Họ cũng có thể hạn chế những người đang bị điều tra không được rời khỏi Hong Kong.
Luật cũng có thể cho phép tịch thu những gì liên hệ đến bất cứ tội nào làm nguy hại an ninh quốc gia. Luật sẽ yêu cầu các tổ chức chính trị nước ngòai và Đài Loan cũng như những nhân viên hoạt vụ cung cấp thông tin về những hoạt động liên hệ đến Hong Kong.
Bắc Kinh nói luật nhằm trừng phạt các tội ly khai, lật đổ, khủng bố và cấu kết với các lực lượng nước ngoài và có án tù lên đến chung thân. Những người chỉ trích cho rằng luật này hầu dẹp tan những tiếng nói bất đồng chính kiến và phá vỡ chiến dịch rầm rộ xuống đường đòi dân chủ.
Một số cuộc biểu tình đã biến thành bạo động giữa cảnh sát và những người biểu tình.
Tại London ngày 6/7, đại sứ Trung Quốc cáo buộc Anh can thiệp thô bạo và có những nhận xét vô trách nhiệm về việc Bắc Kinh áp đặt luật.
Anh mô tả luật an ninh là sự vi phạm “rõ ràng và nghiêm trọng” Tuyên bố Chung 1984 mà Anh trao trả cựu thuộc địa cho Trung Quốc 13 năm sau đó.
Đại sứ Lưu Hiểu Minh cảnh báo có thể có nhiều hậu quả nếu Anh đối xử với Bắc Kinh như kẻ thù hay với ngờ vực.
“Chúng tôi muốn là bạn với quí vị. Chúng tôi muốn là đối tác với quí vị. Tuy nhiên nếu qúi vị muốn làm cho Trung Quốc trở thành một nước thù nghịch, quí vị sẽ phải gánh chịu những hậu quả,” ông nói.