Đường dẫn truy cập

Hong Kong dẫn đầu Lễ tưởng niệm biến cố Thiên An Môn


Dân Hong Kong tham gia đêm đốt nến để tưởng niệm những người thiệt mạng tại Quảng trường Thiên An Môn, trong vụ quân đội Trung Quốc đàn áp phong trào tranh đấu cho dân chủ
Dân Hong Kong tham gia đêm đốt nến để tưởng niệm những người thiệt mạng tại Quảng trường Thiên An Môn, trong vụ quân đội Trung Quốc đàn áp phong trào tranh đấu cho dân chủ
Tuần này đánh dấu 23 năm ngày xảy ra vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn. Được hưởng các quyền tự do về xã hội và chính trị trong tư cách một đặc khu hành chánh của Trung Quốc, Hong Kong vẫn là cái nôi của giới hoạt động dân chủ tìm cách duy trì tinh thần của các cuộc biểu tình của sinh viên vào năm 1989 - bất chấp ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh đối với vùng lãnh thổ từng là thuộc địa của Anh này.

Ngày 4 tháng 6 năm 1989, phong trào dân chủ của sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn đã bị quân đội Trung Quốc dẹp tan.

Hai mươi ba năm sau, biểu tượng của phong trào dân chủ Trung Quốc vẫn tồn tại ở Hong Kong. Được Liên minh Ủng hộ các Phong Trào Dân chủ Yêu nước tại Trung Quốc khai trương vào tháng 4, viện bảo tàng này là viện bảo tàng dầu tiên trên thế giới dành để tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn. Nhà lập pháp Lee Cheuk-yan là đồng chủ tịch của Liên minh ủng hộ dân chủ này.

Ông Lee nói: “Chúng tôi hy vọng những kỷ vật có thể chuyển tải những cảm xúc tới khách tới thăm viện bảo tàng, để họ thấu hiểu những gì đã xảy ra và sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền tại Trung Quốc.”

Chính phủ Trung Quốc nghiêm cấm việc thảo luận về vụ đàn áp Thiên An Môn. Tuy nhiên theo ông Lee, trong 30 triệu du khách Hoa lục hàng năm tới thăm Hong Kong, một số đã đến thăm viện bảo tàng để tìm hiểu về biến cố này.

Ông Lee nói: "Dĩ nhiên, Trung Quốc không bao giờ cho phép từ ‘ngày 4 tháng 6’, hoặc “cuộc tàn sát Thiên An Môn” xuất hiện trên Internet. Do đó đây thực sự có thể là điểm trọng tâm để người dân Hoa lục có thể hiểu được những gì đã xảy ra trong ngày 4 tháng Sáu.”

Viện bảo tàng này là ví dụ mới nhất về những liên hệ độc đáo giữa Hong Kong đối với Phong trào ngày 4 tháng 6 - một mối liên hệ đã bắt đầu từ năm 1989.

Tuần này, Ban kịch nghệ 4 tháng 6 đang trình diễn vở tuồng mang tên “Con chim Vàng”.

Trong những ngày sau biến cố Thiên An Môn, giới hoạt động tại Hong Kong đã giúp đưa sinh viên ra khỏi Bắc Kinh qua ngã Hong Kong để đến Hoa Kỳ và Canada. Chương trình bí mật này mang mật mã “Chiến dịch Chim Vàng”, hoạt động trong suốt 8 năm cho tới năm 1997.

Bất chấp các quyền tự do tại Hong Kong, xuất bản được một vở kịch về Thiên An Môn không phải là một việc dễ làm, theo lời đạo diễn Lo Ching-man:

“Bạn muốn thuê một địa điểm để trình diễn, nhưng không ai cho phép bạn làm việc đó. Nếu bạn muốn quảng cáo trên xe buýt, công ty xe buýt sẽ từ chối. Có một số hành động can thiệp, nhưng bạn không biết từ đâu đến. Đây là một điều kinh khủng.”

Nữ tài tử Sheena Yu còn là một em bé khi xảy ra vụ đàn áp Thiên An Môn. Cô coi sự kiện 4 tháng 6 là vấn đề ngày càng có liên hệ tới Hong Kong như giữa lúc quyền kiểm soát của Bắc Kinh đối với Hong Kong ngày càng tăng.

Cô Yu nói: “Những sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn đã tìm cách bảo vệ đất nước, họ đã chiến đấu vì yêu nước và tin tưởng vào tương lai. Tôi trân trọng thái độ và hành động của họ cũng như lòng yêu nước của họ.”

Sau gần một phần tư thế kỷ, mặc dù một màn bí mật vẫn bao trùm vụ đàn áp Thiên An Môn tại Hoa lục, rất nhiều người Hong Kong tiếp tục vinh danh những sự hy sinh của những người biểu tình đã bị sát hại ngày hôm ấy.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG