Một tay buôn ngà voi bị phạt tuần này vì sở hữu ngà voi bất hợp pháp hôm 10/1 từ chức khỏi ban cố vấn chính phủ nhằm bảo vệ các động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Hong Kong là thị trường bán lẻ ngà voi lớn nhất thế giới với hơn 150 năm hoạt động. Lãnh thổ này là nơi trung chuyển và trung tâm tiêu thụ chính, với hơn 90% người tiêu thụ từ Hoa lục.
Theo Reuters, hồ sơ chính phủ cho thấy ông Lau Sai-yuan là thành viên của Ủy ban Cố vấn Bảo vệ Động thực vật có nguy cơ Tuyệt chủng thuộc Cục Nông, Ngư và Bảo tồn Hong Kong (AFCD).
Ông Lau loan báo sẽ rút lui khỏi Ủy ban, theo đài RTHK chiều ngày 10/1. Nhiệm kỳ của ông chấm dứt vào ngày 30 tháng 9 năm nay.
AFCD lẫn chính quyền Hong Kong đều không trả lời yêu cầu bình luận.
Ông Lau, cũng là thành viên Phòng Thương mại Trung Quốc và Hiệp hội Buôn bán Thủ công nghệ Hong Kong, ngày 9/1 nhận tội sở hữu ngà voi bất hợp pháp và bị phạt 1.022 đô la.
Bản án này được đưa ra không đầy hai tuần sau khi Trung Quốc thi hành lệnh cấm hoàn toàn việc mua bán ngà voi.
Các nhà lập pháp Hong Kong đang cứu xét việc nâng mức phạt tới 10 triệu đô la Hong Kong và 10 năm tù so với tối đa 2 năm tù hiện nay.
Một chiến dịch do chính quyền Hong Kong chỉ đạo vào tháng 6 năm 2017 phát hiện ông Lau là một trong hai nhà buôn ngà voi, bán đũa được sản xuất từ ngà voi săn tìm được sau lệnh cấm 1990.
Chỉ có “ngà voi trước khi Công ước Quốc tế về Buôn bán Động thực vật có nguy cơ Tuyệt chủng 1975” mới được phép buôn bán nhưng phải kèm theo giấy chứng nhận trước Công ước.
Việc buôn bán ngà voi trước Công ước phát triển mạnh tại Trung Quốc và Hong Kong kể từ năm 1975. Các nhà hoạt động môi trường nói việc này dẫn đến sự gia tăng buôn lậu ngà voi và là một trở ngại chính cho việc diệt trừ nạn săn trộm.