Một chiếc bình cổ nền vàng thời nhà Thanh, được trang trí bằng hoa văn với đường viền mạ vàng, được mua với giá 32 triệu rưỡi đô la, phá kỷ lục thế giới về giá một món đồ cổ được đấu giá.
Đây chỉ là một trong những món mà nhà bán đấu giá Sotheby gọi là cuộc bán đấu giá đồ gốm Trung Quốc và tranh cổ lớn nhất thế giới.
Trong một ngày, 35 món đồ cổ đã bán được 148 triệu đô la. Ông Nicolas Chow, phó chủ tịch phân bộ Châu Á của Sotheby's, nói những buổi đấu giá tại Hồng Kông trong tuần này đã phá những kỷ lục trước đây về đồ cổ và tranh Tầu:
“Đây là vụ bán đấu giá phi thường chưa từng thấy trên thị trường từ trước tới nay. Nghệ thuật của Trung Quốc đã thật sự tham gia một cách ấn tượng vào dòng sưu tập chính. Khi một cuộc bán đấu giá thâu được trên 150 triệu đô la thì tôi nghĩ là chúng ta phải đưa nó vào danh sách những bộ sưu tập mỹ thuật vĩ đại trên thế giới.”
Những bình cổ triều đại nhà Thanh ít nhất cũng bán được với giá 3 triệu 800 ngàn đô la. Một bình tương tự như vậy đã bán được với giá 6 triệu 900 ngàn đô la năm 2008.
Người mua, Alice Cheng, là một nhà sưu tập Hồng Kông, mà gia đình có liên hệ với chủ nhân trước của chiếc bình này, ông J.T.Tai, nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng ở New York, sinh tại Thượng Hải. Nhiều đồ gốm hiếm bán đấu giá được trong tuần này là từ bộ sưu tập to lớn của ông Tai.
Một chiếc bình bạch ngọc đời nhà Thanh được bán với giá 1 triệu 600 ngàn đô la, nhiều gấp 4 lần giá trông đợi.
Ông Chow nói rằng, các buổi bán đấu giá kéo dài một tuần lễ này đã lôi cuốn hằng trăm nhà sưu tầm, hầu hết là những người giầu có tại Hoa Lục:
“Rất rõ ràng là người Trung Quốc đang mua lại di sản văn hóa của họ, đó là một phần trong tiến trình tái xác lập vị trí của họ. Trong một chừng mực nào đó việc này có thể hiểu được nếu ta xét lịch sử Trung Quốc vào nửa sau của thế kỷ thứ 20.”
Sau khi đảng Cộng Sản Trung Quốc thắng trong cuộc nội chiến năm 1949, nhiều gia đình giầu có đã lánh ra nước ngoài, mang theo hằng ngàn tác phẩm nghệ thuật. Và rất nhiều tranh cổ đã bị mất, bị phá hủy, hoặc được chôn giấu trong thập niên 1960, khi Trung Quốc trải qua cuộc Cách Mạng Văn Hóa.
Hồng Kông là nơi bán đấu giá tác phẩm nghệ thuật lớn hàng thứ ba trên thế giới, sau New York và London. Đẳng cấp ngày càng nâng cao của các nhà triệu phú Trung Quốc không phải chỉ làm gia tăng nhu cầu nghệ thuật mà còn làm tăng nhu cầu rượu vang loại hiếm của Pháp và nhà cửa sang trọng.
Trong tuần này nhà bán đấu giá Sotheby's đã mở cửa một văn phòng địa ốc tại Hồng Kông cho những khách hàng tìm kiếm bất động sản tại các địa chỉ được nhiều người ham muốn nhất tại thành phố này.
Hồng Kông: Nhà giàu TQ phá kỷ lục trong cuộc bán đấu giá tác phẩm nghệ thuật Tầu
- Heda Bayron
Một bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật Tầu và đồ sứ quý hiếm đã bán được giá cao kỷ lục trong một cuộc bán đấu giá ở Hồng Kông. Các món đấu giá đều về tay những người giầu có ở Hoa Lục.
Đọc nhiều nhất
1